Công nghiệp

Dệt may xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó?

9 tháng sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại, hiện mặt hàng dệt may chưa tận dụng được các cơ hội từ CPTPP. Bên cạnh đó, các mặt hàng may mặc trong tình trạng sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chỉ ký được các đơn hàng số lượng nhỏ thay vì số lượng lớn như những năm trước…

Theo số liệu thống kê sơ bộ Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 29,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị thặng dư thương mại đạt 15,24 tỷ USD, tăng 16,77% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 16,47 tỷ USD, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó mặt hàng bông giảm 12,21%, các mặt hàng còn lại tăng nhẹ.

Tuy nhiên theo Vitas, tính đến tháng 9/2019, 9 tháng sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại, hiện mặt hàng dệt may chưa tận dụng được các cơ hội từ CPTPP. Việc cấp chứng chỉ C/O của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan trong khi các nước thành viên CPTPP đã cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận quy tắc xuất xứ.

Cũng theo Vitas, Bộ Công Thương đã gửi đến Vitas cùng các đơn vị liên quan lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác “Made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.

Theo dự thảo, sản phẩm được coi “Made in Vietnam” nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi thuộc một trong các trường hợp như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản… Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo được hai tiêu chí về chuyển đổi mã số và hàm lượng giá trị gia tăng… thì được coi là “hàng hóa của Việt Nam”.

Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo hai công thức gián tiếp hoặc trực tiếp. Với cách trực tiếp, hàng có nguyên liệu đầu vào sản xuất toàn bộ tại Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng thì được coi là hàng “Made in Vietmam”. Cách xác định gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.

Vitas cho rằng, để xác định rõ hơn, Bộ Công Thương cần đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên, để được xem là hàng “Made in Vietnam” ngoài đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% thì hàng hóa này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.

Gánh nặng xuất khẩu cuối năm

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian qua, mặc dù vậy, tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng. Các mặt hàng may mặc trong tình trạng sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chỉ ký được các đơn hàng số lượng nhỏ thay vì số lượng lớn như những năm trước.

Tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp (số lượng đơn hàng của một số doanh nghiệp đến thời điểm này mới chỉ bằng khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2018) khiến Hiệp hội Dệt may Việt Nam lo ngại, mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD trong năm 2019 khó có thể đạt được.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, bên cạnh yếu tố thị trường, còn do yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và áp lực giảm giá, trong khi các rào cản thương mại như: Thuế nhập khẩu, kiểm định chất lượng vẫn là một trở ngại lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Cẩm, các Hiệp định thương mại tự do ban đầu kỳ vọng sẽ có tác động mạnh nhưng thực tế vẫn chưa mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, những bất lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc đã khiến sức mua của các nhà sản xuất giảm, xuất khẩu sợi sang Trung Quốc cũng giảm theo.

Cùng với tình trạng thiếu đơn hàng, thách thức cạnh tranh lao động, vốn và chi phí sản xuất gia tăng cũng đang hiện hữu trong các doanh nghiệp ngành dệt may

Tìm cách “giữ chân” khách hàng

Bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh, đơn vị chuyên sản xuất hàng may thêu xuất khẩu chia sẻ, hiện nay, khó khăn nhất là vấn đề tín dụng, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp thì chỉ vay được ít vốn từ ngân hàng, để phục vụ cho việc quay vòng, tái sản xuất thì phải vay thêm từ các tổ chức tín dụng ngoài với lãi suất cao…

Ngoài ra, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quá lớn, vào thời điểm doanh nghiệp khó khăn như: Không có đơn hàng, đơn hàng ít đi, giá đơn hàng không tăng… thì buộc phải nợ bảo hiểm, nếu không nợ bảo hiểm thì không có tiền trả lương cho người lao động. Trong khi đó, với các đối tác thì lại phải giữ giá, có khi phải giảm giá để “giữ chân” khách hàng.

“Lao động của doanh nghiệp dệt may phần lớn có trình độ tay nghề thấp. Nhân công lao động khan hiếm, phải tận dụng cả lao động nhiều tuổi, lao động bị thiểu năng nhẹ, do không thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, dẫn đến giá các đơn hàng không cao. Những yếu tố này đã khiến ngành dệt may ngày một thêm khó khăn”, bà Từ Thị Bích Lộc cho biết.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, ngành dệt may đang chịu sức ép về nguồn cung khi phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu không nhỏ. Dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế về giá nhân công so với một số nước. Ngoài ra, việc đầu tư, áp dụng khoa học – công nghệ cho ngành dệt may còn hạn chế dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh.

Trước một loạt những khó khăn như vậy, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Trong những tháng cuối năm, cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất. Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA; Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.

Nguồn: tbck.vn

XEM THÊM

Close