Văn hóa thể thao
Hội đình Khả Lĩnh (Yên Bình), Quy Mông và Kỳ Can (Trấn Yên)
Ngày 7 tháng Giêng âm lịch, đã diễn ra các lễ hội đình Khả Lĩnh (Yên Bình), Quy Mông và Kỳ Can (Trấn Yên).
HỘI ĐÌNH KHẢ LĨNH
Sáng 31/1 (tức ngày 7 tháng Giêng âm lịch), xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã tưng bừng tổ chức Lễ hội Đình làng Khả Lĩnh xuân Canh Tý 2020. Đông đảo bà con nhân dân vùng hạ huyện và du khách thập phương đã về dự lễ.
Nghi thức đầu tiên của buổi lễ là rước nước vào đình. Dân làng cùng đội tế lễ làm lễ xin nước ở giếng Mỏ Cò rồi rước về đình làng, sau khi dâng nước lên Thành Hoàng là lễ dâng hương, dâng rượu và dâng lễ vật, các lễ vật được dâng lên Thành Hoàng đều là sản vật địa phương do người dân trong làng làm ra…
Kết thúc phần lễ là nghi thức hoá chúc văn dâng lên Thành Hoàng những lời thành kính của dân làng cầu một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt cầu thái bình, an khang thịnh vượng mọi sự tốt lành.
Sau phần lễ là phần hội, gồm các trò chơi dân gian như đánh cờ, kéo co… Đây là những trò chơi dân gian truyền thống của dân làng mang đậm đặc trưng của nền văn hoá sông Chảy (ảnh trên).
Cùng với những trò chơi dân gian là các hoạt động văn hoá văn nghệ của nhân dân trong xã và các xã lân cận như Hán Đà, Quế Lâm, Đông Khê và các em học sinh Trường TH & THCS xã Đại Minh, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân và khách thập phương.
Lễ hội đình Khả Lĩnh không chỉ là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân thôn Khả Lĩnh mà còn là nơi ghi dấu những giá trí lịch sử, giáo dục cho con cháu mai sau nhớ về tổ tiên, cội nguồn.
LỄ HỘI ĐÌNH VÀ ĐỀN QUY MÔNG
Di tích đình và đền Quy Mông nằm trên địa bàn thôn Hợp Thành, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (còn có tên gọi khác là Đình và đền Tướng Quân).
Di tích đình và đền Quy Mông được xây dựng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hiện còn lưu giữ 11 sắc phong của các triều đại nhà Nguyễn. Hiện nay, khu di tích này còn giữ được dáng vẻ nguyên sơ, cổ kính của công trình kiến trúc theo phong cách kiến trúc gỗ cổ Việt Nam.
Đình Quy Mông thờ Đệ Nhất Quốc Chủ Thông, Đại Vương Tản Viên Sơn Thần là một nhân thần huyền sử, một trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam; thờ Đệ Tam Trấn Quốc Đại Vương; Đệ Tứ Phiên Quốc Đại Vương; thờ 18 vị văn võ lang quân và Đệ nhất Thần Nông Thị Chi.
Hiện trong đình, đền còn lưu giữ được nhiều các di vật quý, có giá trị về mặt khảo cổ như: hoành phi, câu đối, ngai thờ, ô, lọng, đặc biệt còn lưu giữ 11 sắc phong và 1 bản phó y của các triều đại nhà Nguyễn.
Lễ hội đình và đền Quy Mông có rất nhiều lễ hội, trong đó chính hội được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm.
Trong lễ hội đình và đền xuân Canh Tý năm 2020, ngoài phần lễ chính dâng hương, trong phần hội, xã Quy Mông đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và thi đấu các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy và bắn nỏ thu hút đông đảo người dân các thôn trong xã tham gia.
LỄ HỘI ĐÌNH KỲ CAN
Đình Kỳ Can được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, nay thuộc thôn Thắng lợi (xã Y Can, huyện Trấn Yên).
Đình thờ danh thần là Ngũ vị thành Hoàng bản thổ, là những người đầu tiên đưa dân lên khai phá đất đai mở làng, lập ấp. Trong Ngũ vị thành hoàng có cụ bà Thị Xuân là người quê Phú Thọ nổi tiếng với tài hát ca trù, bà đã truyền dạy cho các thế hệ con cháu làng Kỳ Can nghệ thuật hát ca trù đặc sắc của dân tộc.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Kỳ Can là nơi thành lập Ủy ban hành chính kháng chiến lâm thời của xã Y Can. Đây còn là nơi dừng chân của bộ đội, là trụ sở phát động “Tuần lễ vàng” của xã. Tại đình còn diễn ra nhiều sự kiện khác như: cuộc họp của cán bộ Việt Minh bàn về các công việc của làng xã như phát động đào mương thủy lợi, khai hóa đất đai, phát động các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và các phòng trào “Hũ gạo kháng chiến’, “nhường cơm sẻ áo”…
Đình Kỳ Can cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc tuyên truyền, vận động đường lối cách mạng của Đảng cho quần chúng nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, tăng gia sản xuất, thành lập các tổ chức Nông hội, Thanh niên cứu quốc và củng cố lực lượng du kích.
Năm 2011, đình Kỳ Can được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2013, đình được khởi công trùng tu tôn tạo theo lối chữ Nhất với 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung.
Lễ hội đình Kỳ Can được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm với các hoạt động văn hóa tâm linh và nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao mừng Đảng, mừng Xuân. Đây đã thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trong xã và du khách thập phương.
Theo baoyenbai.com.vn