Nông nghiệp

Nơi nghiên cứu, lưu giữ giống

Bên cạnh chức năng nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN còn là địa chỉ nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm vi sinh để phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN thuộc Trung tâm Thông tin – Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) đóng tại xã Phước An (huyện Tuy Phước). Sáng sớm, theo chân anh Lê Hồng Linh, phụ trách Trạm, vào nhà sản xuất nấm hình ảnh bắt gặp đầu tiên là những thân nấm mảnh mai vừa nhô đầu khỏi các bịch phôi trong làn hơi nước phun sương đẹp mắt. “Trạm hiện là đơn vị đầu mối trong tỉnh lưu giữ giống, sản xuất và bán các loại nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao. Ở đây, chúng tôi trồng rất nhiều loại nấm như: Đông trùng hạ thảo, linh chi, hoàng đế, trà tân, rơm, sò… Kế hoạch trong năm nay, Trạm có thể sản xuất 100 nghìn bịch phôi nấm các loại theo đơn đặt hàng”, anh Linh chia sẻ.

Cách đó không xa, các nhân viên phòng thí nghiệm của Trạm đang làm vệ sinh tiệt trùng phòng bằng đèn tia cực tím. Chị Châu Phan Kim Diệu, phụ trách bộ môn nuôi cấy mô cho biết: Sau khâu vệ sinh, chúng tôi sẽ tiến hành cấy các giống cây, giống hoa để cung cấp cho thị trường. Hiện, phòng đang lưu giữ và bảo tồn nhiều giống cây trồng bản địa như keo lai, bạch đàn, hoa chuông, hoa cúc, đồng tiền, lan Đại Châu và nhiều giống dược liệu quý khác. Những giống cây này sẽ được nhân rộng bằng phương pháp nuôi cấy mô để đáp ứng nhu cầu rất lớn của địa phương và một số tỉnh lân cận. Cây cấy mô được nuôi dưỡng để phát triển mầm, kích rễ và đưa ra nhà huấn luyện để thuần với nhiệt độ, ánh sáng bên ngoài, trước khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, Trạm hiện đang đảm nhận bảo tồn 10 chủng vi sinh vật như: Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis,  Bacillus licheniformis, Bacillus siamensis, Lactobacillus acidophilus, Trichoderma Asperelium… Một số chủng vi sinh được các DN tin dùng để phát triển sản phẩm thức ăn như thạch dừa, sữa chua.

Theo anh Lê Hồng Linh, nuôi cấy mô tế bào thực vật hiện đang là thế mạnh của Trạm. Ngoài nhân giống, đơn vị còn liên tiếp phân lập các giống cây, giống hoa để tránh cho giống bị thoái hóa. Trong khi đó, các chủng vi sinh vật còn được một trường đại học đặt hàng để phục vụ công tác nghiên cứu.

Đặc biệt, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN còn là đơn vị tiên phong của tỉnh trong nghiên cứu, phân lập, bảo tồn và sản xuất một số chế phẩm vi sinh phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và giải quyết vấn đề môi trường. Các chế phẩm như Bidiagri dùng để phối trộn trong thức ăn bổ sung probiotic cho tôm, chế phẩm Bidi-Imo xử lý triệt tiêu mùi hôi trong chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, nhất là bãi rác tập trung. Chế phẩm Bidi-Aqua, Bidi-Aqua Koi xử lý môi trường nước để nuôi trồng thủy sản. Các chế phẩm đang được chuyển giao cho bà con nông dân và rất được ưa chuộng, trong đó chế phẩm Bidi-Imo được bà con lựa chọn để thay thế chế phẩm AT-YTB của Thái Bình.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Ứng dụng KH&CN cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án “Đầu tư tăng cường tiềm lực về trang thiết bị cho Trung tâm Thông tin – Ứng dụng tiến bộ KH&CN giai đoạn 2020 – 2025” với tổng kinh phí đầu tư khoảng 24,6 tỷ đồng. “Đây là cơ sở quan trọng giúp Trung tâm nâng cao năng lực tiếp nhận, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học tại Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị cho Trạm để sản xuất một số dòng vi sinh ở thế hệ mới và sản xuất một số sản phẩm dưới dạng nano”, bà Hoài nhấn mạnh.

Nuôi cấy mô tế bào thực vật hiện đang là thế mạnh của Trạm. Ngoài nhân giống, đơn vị còn liên tiếp phân lập các giống cây, giống hoa để tránh cho giống bị thoái hóa. Trong khi đó, các chủng vi sinh vật còn được một trường đại học đặt hàng để phục vụ công tác nghiên cứu.

Theo baobinhdinh.vn

Tags

XEM THÊM

Close