Doanh nghiệp

Vượt sóng gió tìm hướng đi đúng

Nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 mới hơn 1 năm (từ tháng 4-2019) nhưng ông Thân Đức Việt đã phải chịu không ít “sóng gió”…

Công nhân sản xuất khẩu trang tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Trần Việt

Áp lực trước tiên, là sự điều hành một doanh nghiệp có bề dày truyền thống gần 74 năm phát triển. Thành công của các thế hệ lãnh đạo đi trước là cái bóng quá lớn cho ghế “nóng” điều hành tổng công ty với hơn 2.000 người lao động, trong bối cảnh thị trường dệt may trong nước và quốc tế có nhiều biến động. Thứ nữa, dịch Covid-19 tác động lên nhiều ngành nghề và đời sống xã hội trong đó có ngành Dệt may và May 10.

Ông Thân Đức Việt cho biết, 60-70% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam là mua từ Trung Quốc. “Kể ra như thế để thấy ngành Dệt may giá trị tỷ USD, có hàng trăm nghìn lao động của Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài như thế nào. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, May 10 đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu từ cuối tháng 3-2020, công nhân sẽ phải nghỉ làm, đơn vị có nguy cơ phá sản. Khi dịch được kiểm soát tại Trung Quốc, các công xưởng bắt đầu hoạt động trở lại thì dịch lan mạnh ở châu Âu và Mỹ khiến các đơn hàng bị đình trệ. Thời điểm đó, vào tháng 4-2020, May 10 thiếu hụt 30% đơn hàng, còn tháng 5 và 6 thiếu hụt khoảng 60%”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới cũng như tại Việt Nam, để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên, May 10 đã chuyển sang chế độ làm việc luân phiên tại nhiều phân xưởng. Và trong khó khăn, đơn vị đã có những cách đi mới để duy trì hoạt động, giúp công nhân có việc làm. Cụ thể, lãnh đạo tổng công ty đã quyết định bố trí việc làm khác cho những công nhân bị nghỉ việc. Trong số đó, nhiều người được hướng dẫn nhanh để vào làm việc tại các công đoạn đơn giản của xưởng may khẩu trang như: Cắt, gập, đóng túi khẩu trang… Tại đây, những công nhân lành nghề sẽ thực hiện các công đoạn khó và hướng dẫn để những người lao động chuyển đổi làm công đoạn đơn giản hơn.

Tổng công ty đồng thời mạnh dạn chuyển đổi sang may khẩu trang vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tính bình quân trong một tháng, tổng công ty đã làm được 5 triệu chiếc khẩu trang vải, doanh thu đạt 35 tỷ đồng. Tổng công ty cũng chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang y tế và đã có đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế, dự kiến sẽ giao hàng từ tháng 7 tới với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu tổng công ty trong năm nay). Ngoài ra còn có một số đối tác đặt mua 20 triệu khẩu trang vải giao trong 6 tuần và một đơn vị đã nhận 2 triệu khẩu trang vải, tiếp tục đặt 6 triệu khẩu trang y tế. Cùng với đó, tổng công ty đang sản xuất các bộ đồ phòng, chống dịch…

Với hướng đi đúng và những quyết định sáng suốt, ông Thân Đức Việt cùng Ban lãnh đạo Tổng công ty May 10 đã tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc cho cán bộ, công nhân viên, khuyến khích người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp lúc khó khăn.

Theo/hanoimoi.com.vn

Tags

XEM THÊM

Close