Kinh tế

Cuộc sống mới trên Lục Khu

Trước đây, nhắc đến vùng núi đá Lục Khu (Hà Quảng), nhiều người liên tưởng đến nơi có điều kiện địa lý cách trở, đường đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt nên người dân phải di cư tự do đến các địa phương khác. Giờ đây, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, sản xuất hàng hóa phát triển, đồng bào vùng Lục Khu yên tâm phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chúng tôi đến Lục Khu và chứng kiến núi non hùng vĩ, đá trồi lên, đá “mọc” cạnh nhà. Do địa hình cao nguyên, nhiều hang động, nước không giữ lại được. Thiếu nước nhiều đời, sự kham khổ trong cuộc sống đã khiến chính quyền và người dân nơi đây khát khao thực hiện được giấc mơ có đủ nước.

Những hồ vải địa chứa nước có tới hàng chục cái, quy mô hàng nghìn mét vuông nằm rải rác khắp vùng, quanh năm không cạn kiệt được chính quyền khẩn trương xây dựng sau rất nhiều năm để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống. Hiện người dân Lục Khu đã có thể chủ động nguồn nước sinh hoạt, không khổ sở chờ nước “trời” như trận đại hạn hồi năm 2015, huyện Hà Quảng phải xin tỉnh hỗ trợ xe ô tô chở nước lên cứu trợ bà con.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước cho cả vùng Lục Khu là nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền địa phương qua các nhiệm kỳ. Trong báo cáo tổng kết phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, các xã luôn có nội dung quan trọng là giải quyết bền vững vấn đề nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Như xã Sỹ Hai, trong 21 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 thì chỉ tiêu nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 45,5 lít/người/ngày, theo đúng kế hoạch đề ra. Để làm được điều đó, chính quyền xã thường xuyên chỉ đạo các xóm làm tốt công tác quản lý và sử dụng các bể nước công cộng, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, bảo đảm không bị thiếu nước trong mùa khô.

Quan tâm giải quyết nước sinh hoạt cho người dân Lục Khu, huyện Hà Quảng tập trung nguồn lực đầu tư thêm hàng chục hồ chứa nước và hàng nghìn lu, bể để bà con tích trữ nước. Đủ nước là điều kiện quan trọng hàng đầu để người dân Lục Khu vươn mình, phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống khó khăn.

Đường lên Lục Khu quanh co, đèo dốc nhưng 100% các tuyến đường liên xã, đường xóm đã được bê  tông hóa giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Từ năm 2015 đến nay, huyện huy động lồng ghép nhiều nguồn vốn Chương trình 135, 30a, nông thôn mới… tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt cho vùng khó khăn, trong đó có Lục Khu.

Để nâng cao đời sống và thu nhập của người dân, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện tập trung thực hiện 2 chương trình lớn, đó là di chuyển chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ở vùng Lục Khu, người dân phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò, trồng gừng hữu cơ tạo nguồn thu ổn định.

Tại xóm Cả Poóc, xã Mã Ba, chúng tôi gặp anh Vi Văn Thời, từ phát triển chăn nuôi, anh xây được căn nhà cấp bốn, mái lợp tôn, trị giá 140 triệu đồng. Anh Thời chia sẻ, trước đây gia đình khó khăn, được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách phòng bệnh cho vật nuôi, phát triển chăn nuôi; đến nay, gia đình tôi đã nuôi được 5 con trâu, bò sinh sản, mỗi năm xuất chuồng hai lứa lợn khoảng hơn một tấn thịt lợn hơi; thu nhập từ 60 – 70 triệu đồng/năm.

Xóm Lũng Quảng, xã Hồng Sỹ là xóm điểm xây dựng nông thôn mới vùng cao của huyện, người dân có thu nhập khá nhờ “nghề” vỗ béo trâu, bò. Năm 2013, anh Lục Văn Cường đã vay ngân hàng 50 triệu đồng xây dựng khu chuồng chăn nuôi trâu, bò. Thấy hiệu quả chăn nuôi của anh Cường, nhiều người đã làm theo. Xóm có 33 hộ, thì có hơn chục hộ có điều kiện chăn nuôi như anh Cường. Có điều kiện kinh tế cho nên vào mùa rét, thiếu cỏ chăn nuôi, bà con “thuê” hẳn ô tô đi cắt cỏ, chở về.

Hồ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng Lục Khu (Hà Quảng).

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Nông Thị Bắc cho biết: Nhờ phát triển sản xuất hàng hóa, chăn nuôi lợn, trâu, bò, trồng gừng hữu cơ, lạc L14 mà nhiều hộ dân ở vùng Lục Khu có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Thịt lợn, thịt bò Lục Khu chất lượng tốt cho nên được thị trường ưa chuộng.

Riêng cây gừng, năm 2017, hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung và Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường – DACE ở Hà Nội lên ký kết với người nông dân để bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Năm 2019, Lục Khu có 82 ha trồng gừng trâu, sản lượng gần 1,4 nghìn tấn mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng. Năm 2020, diện tích trồng gừng đã tăng lên 100 ha.

Đến xã Nội Thôn, chúng tôi được trò chuyện với anh Nông Văn Tài, xóm Pác Hoan. Anh Tài cho biết, nơi gia đình trồng gừng hữu cơ trước đây là thung lũng đá tai mèo, bỏ hoang đã mấy chục năm. Từ năm 2017, chính quyền địa phương vận động người dân ra khu vực này khai hoang trồng gừng hữu cơ, ký kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu. Lúc đầu được vận động chuyển đổi sang mô hình trồng gừng, anh và các hộ dân đều hoài nghi.

Nhưng ngẫm nghĩ, bao năm trồng ngô mà cuộc sống gia đình vẫn nghèo, làm chỉ đủ ăn. Bây giờ tham gia liên kết trồng gừng hữu cơ sẽ có cơ hội đổi đời. Anh Tài chia sẻ: “Nhờ việc nghe theo các cán bộ nông nghiệp mà cơ hội đổi đời đã đến thật. Gia đình tôi ngoài chăn nuôi bò sinh sản, thu nhập đạt 35 triệu đồng/năm từ việc trồng và bán gừng”.

Pác Hoan là xóm mới sau khi thực hiện sáp nhập xã Nội Thôn, có 59 hộ, hầu hết các hộ đều trồng gừng tiêu chuẩn hữu cơ vì không cần nhiều diện tích trồng, sản lượng thu hoạch và lợi nhuận lại cao. Trưởng xóm Pác Hoan Sầm Văn Năm cho biết: Từ khi phát triển trồng gừng, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập tăng so với trồng ngô, lạc. Qua mấy năm trồng gừng, nhiều gia đình đủ tiền mua xe máy, xây nhà, mua thêm trâu, bò.

Từ năm 2015 đến nay, từ nguốn vốn hỗ trợ sản xuất, huyện Hà Quảng hỗ trợ giống cây trồng, phân bón với tổng trị giá gần 17 tỷ đồng cho nông dân. Qua đó, giúp hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều đầu nhiệm kỳ chiếm 70%, nay giảm xuống còn 50%. Khó khăn vẫn còn, nhưng Lục Khu đã có thêm động lực phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Theo/baocaobang.vn

Tags

XEM THÊM

Close