Văn hóa thể thao
Độc đáo tục dán giấy đỏ bàn thờ tổ tiên của người Nùng
Thờ cúng tổ tiên là phong tục truyền thống có từ lâu đời của người Nùng. Trong căn nhà sàn của người Nùng, bàn thờ tổ tiên luôn được đặt ở gian giữa cao nhất của ngôi nhà, trang trọng nhất và cũng được trang trí công phu nhất.
Bàn thờ tổ tiên của người Nùng được quan niệm như chiếc “cầu nối” giữa tổ tiên với gia đình, giữa người còn sống và người đã khuất. Chính vì vậy, bàn thờ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh của các gia đình người Nùng. Thông thường, bàn thờ tổ tiên được dán bằng giấy đỏ, bên trên viết chữ Nho.
Các chữ viết thường là câu đối hoặc chữ có ý nghĩa giáo dục, răn dạy con cháu trong nhà về phong tục, truyền thống của dân tộc mình. Người Nùng quan niệm màu đỏ là màu đem lại sự may mắn, bình yên; màu đỏ tượng trưng cho dương khí, cho ánh mặt trời, cho bếp lửa sưởi ấm và nấu chín thức ăn trong gia đình… Chính vì vậy, giấy dán màu đỏ thường được người Nùng sử dụng để trang trí nhà cửa, cầu may.
Theo các cụ cao tuổi, ngày xưa, dịp Tết hằng năm, cả làng tưng bừng chuẩn bị thức ăn, quần áo để vui chơi đón Tết, nhưng lũ qủy ở trên núi cao thường xuất hiện và phá hoại đồ đạc, gia súc, gia cầm của người dân. Vì vậy dân bản phải cử người canh gác, túc trực để lũ qủy không đến phá. Vào một năm nọ, một gia đình trong bản phơi mảnh vải đỏ ở ngoài sân nhà, lũ qủy theo thói quen đến phá phách làng xóm, nhưng mới đi đến đầu bản đã thấy tấm vải đỏ treo trước hiên nhà từ xa nên vội vàng bỏ chạy. Từ đó, cứ vào dịp Tết hằng năm là dân làng lại dán giấy đỏ lên các vật dụng, đồ đạc với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu may mắn, bình yên.
Bàn thờ tổ tiên của người Nùng được trang trí công phu, tỉ mỉ. Trên bàn thờ đặt ba bát hương, một bát thờ Đắm (lạc đắm – rễ cọc, thờ gốc – cội nguồn); một bát thờ lộc mệnh (gia phả, dòng họ); một bát thờ hàm (các chức sắc của tổ tiên). Vì người Nùng theo phụ hệ nên những gia đình đón con rể về “nạp tế” sẽ có thêm bát hương thứ tư để thờ tổ tiên của người đến làm rể. Gia đình nào vừa mới chia tách mà có trẻ con thì thêm một bát thờ Dả hoa – Dả bjoóc (Hoa tiên – Thánh mẫu). Dòng họ nào, gia đình nào có người làm thầy Tào, làm bụt cũng có thêm một bát để thờ.
Bàn thờ tổ tiên được chủ nhà trang trí đẹp, trang trọng. Đằng sau các bát hương gọi là “chỗ ngồi” thường được chép bằng chữ Nho trên nền giấy đỏ ghi lại lai lịch dòng họ, công lao xây đắp của các bậc tiền bối hoặc những lời giáo huấn, khuyên răn con cháu ăn ở hiền lành. Bên trên các bát hương thờ thường là hoành phi, mỗi bên có câu đối với ý nghĩa ca ngợi công đức của tổ tiên.
Phong tục dán giấy đỏ trang trí bàn thờ của người Nùng thể hiện rõ nhất vào ngày 30 Tết, người con trai cả trong gia đình phải thức dậy từ sáng sớm để trang hoàng nhà cửa.
Đầu tiên là gỡ bỏ giấy cũ, lau rửa bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị giấy mới. Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi gỡ ra được đem đốt. Người Nùng quan niệm không vứt giấy năm cũ linh tinh vì sợ bị gia súc, gia cầm giẫm lên khiến gia đình gặp xui xẻo trong năm mới. Vì vậy, sau khi gỡ xong người ta mang giấy cũ ra trước sân đốt để xóa những điều không may mắn trong năm cũ.
Ngoài dán giấy đỏ tại bàn thờ chính, người Nùng còn dán giấy đỏ ở bàn thờ mụ, bàn thờ bếp, bàn thờ “pi thang sàn” (ma ngoài sân), trên cửa ra vào, cửa sổ, các vật dụng trong nhà, ngoài vườn, quanh ống hương… với mong ước cầu may mắn trong năm mới. Số lượng giấy đỏ dán ở những vị trí khác nhau cũng khác nhau, riêng trên bàn thờ tổ tiên và trên cửa ra vào lúc nào cũng phải dán số lẻ, thường là 3, 5, 7 miếng; còn bàn thờ và vật dụng khác chỉ cần dán 1 miếng.
Dán giấy đỏ trang trí bàn thờ tổ tiên là truyền thống lâu đời, mang ý nghĩa tốt đẹp của người Nùng còn được lưu giữ và phát huy đến ngày nay. Với mục đích ban đầu là xua đuổi tà ma, trang trí bàn thờ tổ tiên bằng giấy đỏ còn mang ý nghĩa là giáo dục con cái trong gia đình luôn biết quý trọng, phát huy đức tính tốt đẹp của tổ tiên, của các thế hệ đi trước.
Theo/baocaobang.vn