Kinh tế
Để ngành công nghiệp bứt phá và phát triển bền vững
Trong giai đoạn 2020-2025, BR-VT phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm. Để làm được điều này, tỉnh tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, không thâm dụng lao động, tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và các dự án công nghiệp hỗ trợ.
KHẮC PHỤC ĐIỂM YẾU
5 năm qua, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo nhìn nhận của Sở Công thương, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển chưa đáp ứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tính nội lực ngành công nghiệp chưa đủ mạnh, phụ thuộc nhiều vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hầu như chưa được chú trọng phát triển, còn nhiều dự án thép sử dụng nhiều điện, gây ô nhiễm môi trường. Trong một thời gian dài trước đây, tỉnh mới chỉ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài mà chưa chú trọng nhiều đến việc kiểm soát công nghệ, thiết bị của nhà đầu tư khi đưa dự án vào hoạt động, dẫn đến một số điểm “nóng” về ô nhiễm từ các nhà máy thép, nhuộm, hải sản…
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của một số ngành công nghiệp còn hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Theo ông Yang San Hsien, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Twinkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 Conac, TX. Phú Mỹ), đứng trước những khó khăn về nguyên phụ liệu đầu vào do bệnh COVID-19, hơn lúc nào hết các DN thấy rõ tầm quan trọng của nguồn cung nguyên liệu, CNHT từ các DN trong nước. Với Twinkle Việt Nam, nhiều năm qua, DN đã nỗ lực kết nối với các đơn vị cung ứng nguyên liệu trong nước để chủ động nguồn cung và đáp ứng đòi hỏi yêu cầu xuất xứ hàng hóa rất gắt gao từ phía đối tác. Tuy nhiên, hiện nhiều loại nguyên phụ liệu buộc phải nhập từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm đến 60% vì thị trường trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu của DN. “Để ngành công nghiệp phát triển bền vững thì không thể thiếu CNHT. Vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các DN CNHT phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa xuất khẩu”, ông Yang San Hsien đề xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, một điểm yếu nữa của ngành công nghiệp BR-VT đó là tính liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp, DN CNHT trong nước với các DN FDI còn hạn chế. Ngoài ra, phần lớn DN sản xuất công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, có trình độ công nghệ trung bình. Cùng với đó, nhiều DN hạn chế về vốn, chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quản trị sản xuất, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, hậu mãi…
Vận chuyển bụi lò tại Nhà máy xử lý bụi lò của Công ty Zinc Oxide (ZOCV), KCN Phú Mỹ 3.
TẬP TRUNG NHIỀU GIẢI PHÁP
Để khắc phục những điểm yếu nêu trên, giai đoạn 2020-2025, BR-VT tiếp tục thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp. Cụ thể, tỉnh khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thu hút các DN có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa rộng đến các ngành kinh tế khác.
Tỉnh cũng tiến hành rà soát toàn bộ các chính sách hỗ trợ đối với ngành công nghiệp. Trong đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ các dự án công nghiệp lớn đang triển khai xây dựng để sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động nhằm tăng thêm năng lực mới, tốc độ tăng trưởng cho ngành như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của Tập đoàn Hyosung; thúc đẩy tiến độ đầu tư KCN dầu khí Long Sơn; quan tâm triển khai các dự án điện khí, dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn…
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, thời gian tới, BR-VT kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án quy mô lớn, có công nghệ cao, không thâm dụng lao động, không xâm hại môi trường. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN, nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, công khai danh mục dự án kêu gọi đầu tư; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về quy hoạch, đất đai, hạ tầng, thủ tục để thu hút các nhà đầu tư.
Theo/baobariavungtau.com.vn