Giáo dục
Giáo dục thể chất cho học sinh dân tộc thiểu số
Bên cạnh sự phát triển của phong trào thể dục, thể thao (TDTT) quần chúng nói chung, những năm qua, công tác giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao học đường nói riêng đã được ngành giáo dục huyện Tân Sơn đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
GDTC là một môn học chính khoá nằm trong chương trình giáo dục quốc gia nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua bài tập và trò chơi vận động. Hiện nay, đội ngũ giáo viên TDTT ở các trường học trong toàn huyện cơ bản ổn định và được bồi dưỡng nâng cao kiến thức thường xuyên nhằm từng bước đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao ở trường học các cấp đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng đạt chuẩn Quốc gia ở các bậc học, cụ thể có 15/19 trường mầm non; 16/17 trường tiểu học; 15/18 trường THCS và 50% trường THPT trên địa bàn đạt chuẩn Quốc gia; 100% trường có đầy đủ sân chơi và học tập GDTC; 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có sân tập luyện TDTT… Trên cơ sở đó, các trường học đã thực hiện tốt chương trình GDTC chính khoá có nền nếp theo quy định cũng như hoạt động TDTT ngoại khóa, tự chọn, thể dục giữa giờ… Trong đó, có nhiều trường tổ chức tốt, như: Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Tân Sơn, Trường THCS Thu Ngạc (xã Thu Ngạc), THCS Tân Phú (xã Tân Phú)…
Thầy giáo Nguyễn Đức Thịnh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Tân Sơn chia sẻ: Với đặc thù là trường nội trú, học sinh là dân tộc thiểu số phải sống tập trung xa nhà nên ngoài công tác giảng dạy các thầy, cô giáo còn phải kiêm cả công tác quản lý học sinh trong và ngoài giờ lên lớp để các em phát triển toàn diện nhất. Hiện nay từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác GDTC của nhà trường được đảm bảo bao gồm sân thể thao, sân bóng đá nhân tạo, nhà luyện tập đa năng với tổ hợp sân đá cầu, bóng bàn, sân cầu lông được trải thảm nhựa ma sát… Nhiều năm liên tiếp học sinh nhà trường có HCV tại Giải Việt dã Báo Phú Thọ. Đặc biệt, năm 2019, nhà trường đã “đóng góp” 5 học sinh tham gia Giải Bóng đá thiếu niên, nhi cồng Cúp truyền hình Phú Thọ và giành ngôi vô địch U13…
Có thể thấy hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT cho học sinh tại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện ngày càng phong phú, đa dạng dưới hình thức câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bơi lặn… Đặc biệt, một số môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian cũng được đưa vào lồng ghép với phong trào thi đua “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ông Lê Anh Tuấn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học, ngay từ đầu năm học, phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch hoạt động TDTT, phòng cũng phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT có quy mô từ cấp tiểu học trở lên như: Giải bóng đá, bóng rổ, vovinam, điền kinh… tạo phong trào thi đua sôi nổi trong các đơn vị trường.
Gần đây nhất, Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện năm 2018, với sự tham gia của hơn có 396 vận động viên là học sinh đến từ các đơn vị trường tiểu học, THCS, THPT trong huyện và 40 vận động viên tham gia HKPĐ cấp tỉnh lần thứ XVIII tranh tài ở 7 môn thi như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, điền kinh, thể dục aerobic và bơi được tổ chức thành công tốt đẹp, với chất lượng chuyên môn cao đã cho thấy công tác giáo dục thể chất và thể thao trong các trường học đang có sự chuyển biến tích cực cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong những năm học tới, ngành GD&ĐT huyện Tân Sơn tăng cường hoạt động TDTT ngoại khoá, các môn thể thao tự chọn, xây dựng các loại hình câu lạc bộ TDTT trường học làm nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao cũng như xây dựng lối sống lành mạnh trong trường học cho học sinh DTTS.
Theo/baophutho.vn