Du lịch

Trải nghiệm núi rừng cùng Anh K’Ho Trekking

Gần 8 năm về trước, Sacly và Phreng – người con của buôn làng K’Ho, sinh ra ở vùng Đa Chais, huyện Lạc Dương được đào tạo về làm du lịch cộng đồng từ chương trình phối hợp giữa Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. Khi dự án kết thúc, Sacly và Phreng hoạt động du lịch tự do, dẫn đường trekking (đi bộ trong rừng) trên những cung đường ở Bidoup, Núi Voi, Langbiang… do các công ty du lịch đặt hàng.

Tham gia những cung đường ấy còn có nhiều anh em K’Ho khác nhưng với vai trò làm khuân vác, dù họ có tri thức bản địa và hiểu về rừng. Lâu dần, sự tiếc nuối đã ươm mầm trong trong Sacly và Phreng khát khao làm du lịch từ chính những người bản địa.
Câu chuyện làm du lịch của hai anh chàng K’Ho đã được chia sẻ và có thêm Habres, Tín Touneh tham gia. Tất cả họ chưa ai qua tuổi 25. Ở những con người ấy có điểm chung là vẻ đẹp của ngoại hình, của tri thức, yêu rừng, yêu văn hóa bản địa và đam mê du lịch. Habres hiện là huấn luyện viên thể hình tại Trung tâm Thể dục California Fitness and Yoga. Tín Touneh tốt nghiệp ngành thể thao. Cả hai đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Và, người Kinh duy nhất cùng đồng hành là Trần Phú Mỹ, một người trẻ làm chuyên ngành về maketting tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tình yêu với Ka Siêu – một cô gái người K’Ho đã đưa anh đến với Đà Lạt. Họ kết hợp với nhau để làm du lịch và Anh K’Ho Trekking ra đời.
Việc dẫn khách chỉ được tiến hành sau khi đã kiểm tra sức khỏe khách và thời tiết đủ đảm bảo an toàn
Việc dẫn khách chỉ được tiến hành sau khi đã kiểm tra sức khỏe khách và thời tiết đủ đảm bảo an toàn.
Ở Anh K’Ho Trekking, mỗi người có một thế mạnh. Nếu như Sacly, Phreng là những người dẫn đường chính. Phreng chuyên về kiểm tra các trang thiết bị còn Sacly nắm chắc đội ngũ những người dẫn đường ở các buôn làng. Mỹ chuyên thiết kế hình ảnh. Habres, Tín đảm nhận khâu tìm kiếm và chăm sóc khách hàng bởi hiện nay đa phần khách hàng của Anh K’Ho trekking đến từ Sài Gòn và các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ.
Với rừng, những kỹ năng về sơ cứu thương trong hoang dã, cách diễn giải môi trường… chỉ là một phần, bởi những gì xảy ra trong tự nhiên luôn mới lạ và đầy bất ngờ. Bởi vậy, việc sinh ra ở mảnh đất Đa Chais nơi mà rừng gắn bó với mỗi người dân như máu thịt, kỹ năng sinh tồn trong rừng là thế mạnh của Sacly và Phreng. Những kỹ năng ấy được các bạn chia sẻ trong những lần dẫn đoàn trekking. Khi lạc khỏi đoàn, hãy đứng yên một chỗ, nhóm cành khô đốt lửa nhỏ, tấp lá tươi lên để tạo khói làm dấu hiệu để những người khác đi tìm. Nếu quá lâu không ai tìm được hãy đi theo dòng chảy của các con suối, vừa đi vừa cắt cành cây làm dấu sẽ tìm thấy vườn cà phê, chòi làm rẫy của bà con hay chốt gác của kiểm lâm để nhờ giúp đỡ….
Anh K’Ho Trekking hoạt động với nguyên tắc ba không: “Không để lại gì ngoài những dấu chân, không lấy gì ngoài những bức ảnh và không giết gì ngoài giết thời gian”. Hiện, các anh thường dẫn khách ở 7 cung đường khác nhau; trong đó, chủ yếu là cung Làng Gà – Núi Voi, đỉnh Langbiang – thác Tàm Thàm – núi Bidoup, Bidoup – Tà Giang (Ninh Thuận). Trước khi dẫn đoàn, họ sẽ đi thực tế và kiểm tra độ an toàn trước. Sau đó, họ sẽ lên kế hoạch chi tiết của các nơi nghỉ ăn trưa, bãi cắm trại… Đối với du khách, trước khi bắt đầu chuyến đi sẽ được kiểm tra những nội dung cần thiết, nhất là thông tin về sức khỏe.
Tình cảm mộc mạc, chân thành ở Anh K’Ho Trekking giúp du khách thoải mái trong suốt cuộc hành trình
Tình cảm mộc mạc, chân thành ở Anh K’Ho Trekking giúp du khách thoải mái trong suốt cuộc hành trình.
Trong đoàn trekking, luôn có người hướng dẫn đi đầu và người khác khóa đuôi để kiểm soát tốt đường đi của du khách. Đặc biệt, trong tất cả các cung đường, ngoài những dụng cụ bảo hộ cần thiết thì luôn có những người bản địa cùng hỗ trợ việc dẫn đường. Đơn của như cung đường Làng Gà – Núi Voi, cùng với các thành viên của Anh K’Ho, còn có già K’Ten – người dẫn đường đặc biệt. Bởi cung đường ấy đi qua cánh rừng có có hàng ngàn cây thông đỏ cổ thụ, nơi ông K’Ten đã dành gần trọn cả cuộc đời mình để gắn bó, bảo vệ. Không ai hiểu và đi rừng giỏi hơn người bản địa, những người được sinh ra từ rừng và sống dựa vào rừng và có lẽ chính những người bản địa là yếu tố đảm bảo an toàn cao nhất ở Anh K’Ho Trekking.
Du lịch không chỉ khai thác cái xác của phong cảnh, mà còn cần phải bồi đắp hồn cốt cho những chuyến đi. Mỗi tour của Anh K’Ho ngoài chạm tới vẻ đẹp của tự nhiên còn có sự tích hợp về văn hóa. Hay nói đúng hơn, khám phá thiên nhiên – trải nghiệm văn hóa – phát triển cộng đồng là ba chân kiềng bền vững để những chàng trai này chọn lối đi cho riêng mình.
Là người hướng dẫn, các thành viên của Anh K’Ho luôn tạo ra sự tương tác giữa khách du lịch với thiên nhiên và với con người trong các buôn làng. Để chính những người con của buôn làng kể với du khách câu chuyện về văn hóa chân thật, đúng với những gì mà cha ông để lại. Đó thực sự là nguồn tri thức mà du khách cần, là thứ đọng lại sau mỗi hành trình trải nghiệm.
Kinh tế, thu nhập, đó chắc chắn là mục tiêu quan trọng của Anh K’Ho Trekking. Nhưng đó không phải là tất cả, mà việc tiếp xúc với những người giỏi đã giúp họ học hỏi và thay đổi rất nhiều. Thông qua du lịch, họ mong muốn sự thay đổi tích cực ấy tiếp tục đến gần hơn trong các buôn làng cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, việc đặt câu chuyện của cộng đồng lên trên mục đích cá nhân đã giúp Anh K’Ho bước đi vững chãi hơn trên những cung đường giữa núi rừng xanh thẳm. Tuy nhiên, để hoạt động có quy cũ hơn, Anh K’Ho Trekking cần liên hệ với cơ quan quản lý văn hóa để hoàn tất các thủ tục pháp lý về lữ hành nội địa. Phía Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định rằng họ sẽ hỗ trợ hết sức để phát triển các nhóm du lịch người đồng bào dân tộc thiểu số. Sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng sẽ góp phần phát huy hơn văn hóa bản địa trong du lịch.
Theo/baolamdong.vn
Tags

XEM THÊM

Close