Văn hóa thể thao
NSƯT Vũ Luân mang cải lương đến Thanh Bình từ đường
Cuối tháng 7, người dân ở đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, TP. Huế, vui mừng vì có NSƯT Vũ Luân cùng các nghệ sĩ Đoàn hát bội – cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đến biểu diễn phục vụ.
Lần đầu tiên, NSƯT Vũ Luân đến với sân khấu Thanh Bình từ đường, nơi có nhà thờ Tổ nghề hát bội và xướng ca của cả nước. Trong vai Lương Sơn Bá, NSƯT Vũ Luân đã khiến các khán giả xứ Huế sống lại thời vàng son của nghệ thuật cải lương tuổng cổ. NSƯT Vũ Luân (sinh năm 1972) là một ngôi sao cải lương thế hệ sau thời của NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long. Vai Lương Sơn Bá mà anh diễn tại sân khấu Thanh Bình từ đường chính là vai diễn kinh điển của anh.
Đây cũng là lần thứ hai các nghệ sĩ Đoàn hát bội – cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Đồng Nai) đến với sân khấu Thanh Bình từ đường để hát phụng cúng Tổ nghề. NSƯT Ngọc Khanh cho biết: Năm 1990, Câu lạc bộ Thể nghiệm Sân khấu truyền thống (tiền thân của đoàn Đoàn hát bội – cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh) thuộc Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh được thành lập. 30 năm qua biết bao thăng trầm trên bước đường nghệ thuật nhưng cũng nhờ sự mến thương của khán giả, lòng yêu nghề của các nghệ sĩ, đoàn đã không ngừng cải tiến và phát huy nghề nghiệp.
Ông Trần Ngọc Lợi, 93 tuổi, người hơn 60 năm giữ hương khói ngôi từ đường, cho biết thêm: Thanh Bình từ đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825), dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội hát bội Việt Tường trong cung cấm. Các sân dài và rộng trước Thanh Bình từ đường trước đây là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập. Về sau, theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. Chính giữa ngôi từ đường này là bàn thờ các vị Tổ ngành xướng ca của cả nước. Tại đây có bài vị Càn Cương Hầu, được tôn xưng là ông Tổ ngành hát bội và hậu tổ hát bội là cụ Đào Tấn. Bên ngoài còn có 2 án thờ ở hai bên tả hữu (trái phải). Trong đó, án bên tả thờ các nghệ nhân quá cố như Đào Duy Từ, người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật hát bội nước nhà. Vì thế, Thanh Bình từ đường được công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia.
Không chỉ có Đoàn hát bội – cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh, năm 2018, đoàn cải lương Sông Hương (trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh) cũng đã đến biểu diễn phục vụ người dân với vở “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Lá sầu riêng”, “Lan và Điệp”…
NSƯT Ngọc Khanh, Trưởng Đoàn hát bội – cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh nhận định: “Sân khấu hát bội đầy tính nhân văn, phản ánh hiện thực xã hội qua mỗi thời đại, mỗi thời kỳ lịch sử, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người. Vì vậy, nghệ thuật hát bội đã đi sâu vào trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là một trong những nền tảng quý báu của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc… Dưới sự hội nhập văn hóa thế giới, mỗi thời đại đều có những loại hình văn hóa mới xuất hiện và cái cũ thường rơi vào quên lãng. Trên thực tế, loại hình nghệ thuật hát bội cũng rơi vào tình trạng ấy. Đó là điều mà chúng tôi cứ đau đáu trong lòng khi sàn diễn hát bội cứ bị thu hẹp dần”.
Một thời ở Huế, tuồng rất được ưa chuộng. Đã có nhiều sân khấu, rạp được dựng lên để nghệ sĩ biểu diễn, song theo thời gian, loại hình nghệ thuật này dần mất vị trí trong đời sống văn hóa – nghệ thuật.
Đến năm 2006, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế được thành lập, với mong muốn bảo tồn tuồng Huế bên cạnh Nhã nhạc Cung đình và múa Cung đình. Từ năm 2015, chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường đã dành 15/45 phút cho tuồng Huế và bước đầu được khán giả ủng hộ. Được biết, tại Festival Huế 2020, chương trình sự kiện nghệ thuật “Tuồng Huế – Ngàn xưa âm vọng” sẽ diễn ra tại Bình Thanh từ đường, cung đường Chi Lăng – Lê Duẩn, Nghinh Lương Đình, cung đường Lê Duẩn – cửa Quảng Đức – đường 23 tháng 8 – cửa Hiển Nhơn. Chương trình gồm lễ tế Tổ sân khấu, rước mặt nạ tuồng trên đường phố, trình diễn trích đoạn tuồng. Đây là cơ hội để tuồng Huế đến với công chúng, cũng là cách nhằm bảo tồn và lưu giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Theo/baothuathienhue.vn