Kinh tế

Gỡ khó cho con cá tra

Xuất khẩu khó khăn khiến giá cá tra nguyên liệu liên tục sụt giảm, lại thêm tác động từ dịch COVID-19 đang đẩy ngành cá tra tại ĐBSCL vào tình thế vô cùng khó khăn. Tái cơ cấu ngành hàng theo hướng xây dựng chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, mở rộng xuất khẩu, tăng cường thị trường trong nước đang là yêu cầu cấp thiết để ngành cá tra phát triển bền vững.

Hoàn thiện chuỗi sản xuất bắt đầu từ con giống

Ngày 7-8, trong chuyến làm việc với tỉnh An Giang để bàn giải pháp kết nối sản xuất – tiêu thụ sản phẩm cá tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Ðức Tiến cho rằng thời gian qua, các doanh nghiệp đã khắc phục lỗi trước đây, có chuyển biến trong kết nối, tăng cường quảng bá, chế biến phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để ngành cá tra phát triển bền vững cần phải xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng sản xuất cá tra tập trung, xây dựng thành một chuỗi sản xuất hoàn chỉnh từ con giống đến xuất khẩu.

Ngành cá tra cần hoàn thiện chuỗi sản xuất bắt đầu từ con giống để đảm bảo phát triển bền vững.

Từ thực tế cho thấy, việc xây dựng chuỗi sản xuất cá tra hoàn chỉnh đang là yêu cầu cấp thiết và được các địa phương cũng như doanh nghiệp quan tâm. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết tỉnh 1.226ha nuôi cá tra thương phẩm, sản lượng 450.000 tấn/năm. Diện tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn chất lượng đạt 477ha (chiếm 39% diện tích nuôi), sản lượng 148.000 tấn/năm. Ðến nay, tỉnh đã triển khai và hình thành được 3 chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp với thành phần gồm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (cấp 1), Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột (cấp 2) và cấp 3 chi hội ương giống cá tra, mỗi năm có thể sản xuất và cung cấp khoảng 4,5-5 tỉ cá tra bột, khoảng 500-600 triệu cá tra giống.

Theo ông Lâm, đến thời điểm hiện nay, các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp đã sản xuất được 12 tỉ cá tra bột và 1,2 tỉ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc. Chất lượng cá tra bột được đánh giá có chất lượng tốt hơn cá tra bột sản xuất ngoài chuỗi liên kết như hoạt động nhanh nhẹn, kích thước cá bột lớn hơn, tỷ lệ sống cá ương 15 ngày tuổi cao hơn… “Tuy nhiên, do dịch COVID-19 khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn đã tác động đến sản xuất cá tra, làm giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 17.500-18.500 đồng/kg (loại 0,8-1 con/kg), giảm 5.000-10.000 đồng/kg so cùng kỳ và là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Không chỉ người nuôi gặp khó khăn, thua lỗ mà nhiều hộ ương giống trong các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp tạm ngưng sản xuất hoặc chuyển sang sản xuất đối tượng khác. An Giang cũng đề xuất với Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ Ðề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ÐBSCL và tiếp tục bổ sung thay thế dần đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, kháng bệnh để phân bổ cho các cơ sở sản xuất cá tra bột tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp giai đoạn năm 2021-2025 “ – ông Lâm nói.

Ông Trần Ðình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết:  “Cá giống trong chuỗi cá tra 3 cấp khi ra thị trường được người dân đánh giá cao. Ðây được xem là tín hiệu mừng cho ngành sản xuất giống cá tra ở ÐBSCL. Hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp và người dân nếu sản xuất cá giống số lượng hạn chế, khi đến thời điểm hết dịch nhu cầu giống cao lúc đó không đủ nguồn giống cung cấp cho thị trường. Do đó, Cục Thủy sản sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương đi kiểm tra tình hình sản xuất giống cá tra để khắc phục tình trạng cá tra kém chất lượng bán ra thị trường”.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng An Giang vẫn xác định thủy sản là ngành hàng chủ lực nên tiếp tục tập trung tái cơ cấu để đảm bảo phát triển bền vững. Trong tái cơ cấu ngành cá tra phải đi từ khâu chọn tạo cá bố mẹ đến ương dưỡng cá giống và liên kết tạo chuỗi nuôi khép kín. Hình thành cụm liên hoàn nuôi chất lượng cao từ 800-1.000ha gồm nông dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm với thành phần liên quan tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ “quyền lợi và trách nhiệm”, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đảm bảo kiểm soát mối nguy tồn lưu dư lượng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh tái cơ cấu và mở rộng thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng cá tra ước đạt hơn 587.000 tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 6-2020, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 660 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019. Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, cũng là một trong những nguyên nhân lớn tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Bộ NN&PTNT đánh giá dịch COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra bị đình trệ. Ðể giải quyết tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những động thái kết nối, hợp tác nhằm lấy thị trường nội địa làm chủ lực phát triển để dần khôi phục thị trường thế giới sau đại dịch COVID-19.

Để phát triển bền vững, ngành cá tra cần phải đẩy nhanh tái cơ cấu và mở rộng thị trường.

Để phát triển bền vững, ngành cá tra cần phải đẩy nhanh tái cơ cấu và mở rộng thị trường.

Theo ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 giá cá tra xuống thấp chưa từng có so với nhiều năm trước khiến người nuôi lỗ nặng. Trong khi việc xuất khẩu cá tra sang các thị trường trên thế giới bị ảnh hưởng thì dường như 20 năm qua thị trường trong nước đã bị bỏ quên. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 90 triệu dân nếu tiêu thụ cá tra sẽ giải quyết cho bài toán trong nước rất tốt. Tuy nhiên, để tăng cường phát triển thị trường nội địa rất cần các cơ quan truyền thông đẩy mạnh quảng bá hình ảnh cá tra cho người tiêu dùng trong nước biết đến với tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đây đến cuối năm, Nam Việt phấn đấu bán ra miền Bắc khoảng 1.000 tấn cá tra thành phẩm.

Ông Ðào Ngọc Nam, Tổng Giám đốc An Việt Group (Hà Nội), cho biết những năm trước đây sản phẩm cá tra, ba sa trong nước là sản phẩm không đặc sắc lắm. Tuy nhiên, sau khi đi thực tế cùng với Bộ NN&PTNT về An Giang, chúng tôi đánh giá sản phẩm cá tra được nuôi và chế biến theo tiêu chuẩn xuất khẩu nên rất tốt để tiêu thụ cho thị trường nội địa, đặc biệt ưu tiên tại phía Bắc. Hiện nay, An Việt là đơn vị chuyên cung cấp cho các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp và trường học nhưng trong lúc giá heo đang tăng cao thì việc cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn rất khó khăn. Do đó, các sản phẩm từ cá tra giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên thời gian tới công ty sẽ khuyết phục các đối tác tiêu thụ sản phẩm cá tra để chuyển một phần ăn thịt heo như hiện nay sang ăn cá tra.

Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến cho rằng hiện nay cần tập trung tái cơ cấu ngành hàng, mở rộng thị trường đặc biệt chú ý kết nối phát triển thị trường trong nước. Việt Nam với khoảng 100 triệu dân, 25 triệu khách du lịch, trong khi cá tra đã được sản xuất theo chuỗi khép kín mức độ công nghệ cao từ con giống đến xuất khẩu đã được Mỹ công nhận tương đương mà chúng ta chỉ tập trung thị trường nước ngoài, bỏ trống thị trường trong nước sẽ rất khó khăn. Do vậy, phải đẩy mạnh kết nối thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam đặc biệt là các tỉnh phía Bắc hiểu rằng cá tra có giá trị dinh dưỡng cao. Có thể chế biến phù hợp với các trường học, bếp ăn tập thể, siêu thị. Từ đó, góp phần cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày và thúc đẩy sản xuất. “Trong xu thế chung hiện nay, chúng ta phải kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng. Cần hoàn thiện nâng cao chuỗi sản xuất, chế biến, thông qua kênh truyền thông để quảng bá giúp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu” – Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh.

Nguồn: baocantho.com.vn
Tags

XEM THÊM

Close