Kinh tế
Tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu hoa
Sau một thời gian chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và xuất khẩu hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận đang dần được khôi phục. Những dấu hiệu tích cực từ thị trường đã tạo động lực để người dân, doanh nghiệp yên tâm ổn định sản xuất dịp cuối năm.
Ông Võ Quốc Khoa – Giám đốc Công ty TNHH DALAT EVERGREEN cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng hoa trong tỉnh sản xuất ra dù sản lượng cao nhưng không tiêu thụ được. Đặc biệt, trong tháng 3 và 4/2020, lượng hoa tiêu thụ của nông dân và các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ đạt khoảng 20% – 30%. Tuy nhiên, kể từ thời điểm cuối tháng 5/2020, thị trường xuất khẩu hoa thế giới đã khôi phục trở lại gần như bình thường. Chính điều này đã tạo động lực cho ngành hoa Lâm Đồng nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu hoa nói riêng nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.
Theo ông Khoa, đối với thị trường Nhật Bản, hoạt động xuất khẩu hoa từ đây đến cuối năm sẽ ổn định khi dịch Covid-19 cơ bản đã được nước này khống chế. Các hoạt động thương mại với các nước cũng được khôi phục, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện tại, khu nhà kính rộng 5 ha, sản xuất hoa cúc, cát tường của công ty đã sản xuất 100% diện tích, cung ứng đều đặn mỗi tuần sản lượng 150.000 cành hoa cho các đối tác Nhật Bản.
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Sơn – Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời cho biết: Từ tháng 7 trở đi hoạt động xuất khẩu lan Vũ nữ của công ty sang thị trường Nhật Bản đã trở lại bình thường, các thị trường châu Âu, Mỹ cũng từng ngày được khôi phục. Nhờ đó, sản phẩm hoa trên diện tích 10 ha đang sản xuất và gần 15 ha mà công ty liên kết với các nông hộ được rộng đường tiêu thụ.
Thị trường hoa trong nước khởi sắc, xuất khẩu trên đà hồi phục đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất trở lại. Ông Nguyễn Công Nga – Giám đốc Sản xuất Farm Đạ Ròn (thuộc Công ty Dalat Hasfarm) cho biết: Tại Farm Đạ Ròn, trên diện tích 120ha công ty đang đẩy mạnh sản xuất hoa cắt cành và hoa chậu các loại.
Theo ông Nga, hiện nay, hoa cắt cành vẫn là một trong những dòng sản phẩm chủ lực mà công ty Dalat Hasfarm đưa ra thị trường, bên cạnh dòng hoa chậu, ngọn giống, chế phẩm sinh học. Những tháng cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu thị trường tăng lên, đặc biệt là trước thềm các dịp Giáng sinh và năm mới. Sản phẩm hoa tươi của Dalat Hasfam hiện có mặt ở hơn 10 thị trường, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Hiện nay, xuất khẩu chiếm tới 70% tổng sản lượng hoa cắt cành tại đây.
Những tháng đầu năm 2020, sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid – 19, trong thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, thương mại của công ty đã dần khôi phục. Riêng trong 2 tháng gần đây, công ty đã phải tuyển thêm gần 800 công nhân, nâng tổng số công nhân đang làm việc tại farm lên hơn 2.000 người.
Bên cạnh đó, để liên tục thay đổi và đáp ứng nhu cầu của thị trường, Dalat Hasfam cũng thường xuyên nhập về các giống mới có bản quyền, trồng thử nghiệm, đánh giá phản hồi của thị trường sau đó nhân lên trồng đại trà, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận đang dần được khôi phục.
Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng hoa xuất khẩu các loại toàn tỉnh ước đạt 257 triệu cành, đạt giá trị 41,03 triệu USD, mặt hàng hoa chậu các loại đạt kim ngạch 6,91 triệu USD, giảm 1,1% về lượng và tăng 17,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng hoa các loại chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện (Cty Hasfarm, Cty Apollo, Cty Nhật Việt, Cty Hoa Trường Xuân), thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Úc, Đan Mạch, Trung Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á …
Bà Nguyễn Thị Lệ Hường, Phó Phòng Kế hoạch – Tài chính và Hợp tác quốc tế, Sở Công thương Lâm Đồng đánh giá, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 từ đầu năm, sản lượng xuất khẩu hoa tuy có giảm nhẹ về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị. Điều này cho thấy, ngành xuất khẩu hoa đã thích nghi, giữ vững được thị trường, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng.
Đối với các thị trường xuất khẩu hoa chính của Lâm Đồng như: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á dự báo sẽ tăng nhẹ dịp cuối năm. Các thị trường Úc, Châu Âu, Châu Mỹ sẽ tiến tới khôi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm, các doanh nghiệp trong tỉnh không nên vội mở rộng quy mô sản xuất, thay vào đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp của Lâm Đồng cần tuân thủ qui định pháp luật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Việt Nam và các nước nhập khẩu, cũng như cần cải thiện qui trình sản xuất để nâng cao chất lượng hoa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển thị trường hoa chất lượng cao trong nước.
Theo/baolaodong.vn