Công nghiệp
Dự án điện gió La Gan đã được ký kết khảo sát ngoài khơi
Lễ ký kết được tiến hành trực tuyến dưới sự chứng kiến của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam – Ngài Kim H.Christensen, nhằm đảm bảo an toàn trong tình hình diễn biến gần đây của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Kể từ khi ký kết Bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận vào tháng 07 năm 2020, dự án Điện gió Ngoài khơi La Gàn đã tích cực tiến hành các hoạt động phát triển dự án. Với vốn đầu tư ước tính lên đến 10 tỷ USD và công suất 3,5 GW. Đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan Đơn vị phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5 GW thuộc sở hữu của Copenhagen Infrastructure Partners, Asiapetro và Novasia đã ký một hợp đồng khảo sát địa chất ngoài khơi. Hợp đồng khảo sát Địa kỹ thuật La Gàn với Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro – Công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu một phần.
Theo hợp đồng này, Vietsovpetro sẽ hợp tác với các nhà thầu phụ là Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Công ty TNHH Fugro Singapore tiến hành thu thập các mẫu đất đá nằm sâu dưới đáy biển. Các mẫu này sẽ được kiểm tra trong các phòng thí nghiệm cấp cao và được sử dụng để xây dựng mô hình mặt đất chi tiết của đáy biển nằm trong khu vực trang trại điện gió. Các mô hình mặt đất này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế cấu trúc các móng trụ ngoài khơi và cáp ngầm của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam – ông Kim H. Christensen, phát biểu tại lễ ký kết: với việc ký kết hợp đồng khảo sát ngày hôm nay, các nhà đầu tư của Dự án Điện gió Ngoài khơi La Gàn tái khẳng định cam kết nghiêm túc của mình tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án nhanh chóng theo kế hoạch đã đề ra, bất chấp những khó khăn và thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Chính phủ Việt Nam hiện đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện 8 (PDP 8) và thiết lập khung pháp lý liên quan cho các dự án điện gió ngoài khơi. Vì vậy, các cơ quan chức năng rất cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư đã chứng minh được năng lực trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi cũng như quyết tâm cao phát triển các dự án của họ, ví dụ như CIP. Chúng tôi hi vọng và tin tưởng rằng chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng địa phương liên quan sẽ có những quyết định nhanh chóng và cấp các giấy phép và phê duyệt cần thiết cho dự án để họ có thể triển khai các công việc của dự án trong thời gian sớm nhất.
Bà Maya Malik – Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan cho biết: khảo sát địa kỹ thuật là những công việc then chốt giúp các dự án điện gió ngoài khơi hiểu được hiện trạng đáy biển và tiến hành phát triển các mô hình mặt đất và thiết kế móng trụ. Chúng tôi rất tự hào là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam ký kết các hợp đồng khảo sát địa kỹ thuật ngoài khơi này.
Với tư cách là nhà phát triển dự án có trách nhiệm và giàu kinh nghiệm, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan rất vinh dự được hợp tác với Vietsovpetro và các nhà thầu phụ uy tín của họ để đảm bảo tiến hành các hoạt động khảo sát theo các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, môi trường và xã hội. Chúng tôi cũng rất tự hào khi được hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng địa phương và tạo điều kiện chuyển giao kiến thức giữa các nhà cung cấp trong nước và quốc tế.
Theo một nghiên cứu về tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế từ BVG Associates (đơn vị tư vấn của Ngân hàng Thế giới) thực hiện, dự án sẽ đóng góp hơn 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện dự án. Dự án cũng dự kiến tạo ra hơn 45.000 việc làm toàn thời gian (FTE) cho các lao động trong nước tại Việt Nam, trong đó 01 đơn vị FTE tương đương với 1 việc làm trong thời gian 1 năm. Khi xây dựng hoàn thiện, dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm và giúp giảm phát thải 130 triệu tấn khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án./.
Trương Hằng