Đầu tư
Đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ, PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh liệu có thành công?
Nếu những cơ chế tài chính chưa có tiền lệ do UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất được chấp thuận sẽ mở toang cơ hội triển khai thành công Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Đợi cơ chế đặc thù
Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) là bộ, ngành duy nhất tham gia ý kiến về đề xuất được áp dụng một số cơ chế đặc thù cho Dự án PPP Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh của UBND tỉnh Cao Bằng.
Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ vào cuối tháng 7/2021, Bộ GTVT cho rằng, Đề án “Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030” do bộ này soạn thảo vẫn đang trong giai đoạn được các cơ quan liên quan xem xét, rà soát để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, nên việc UBND tỉnh Cao Bằng xin được áp dụng các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù tại đề án này cho Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là chưa có cơ sở.
“Về nguyên tắc, Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nói riêng và các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai khi chuẩn bị đầu tư vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Được biết, liên quan đến các cơ chế huy động nguồn lực được đề cập Dự thảo Đề án “Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030”, đáng chú nhất là việc Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để giải phóng mặt bằng các tuyến cao tốc thuộc Đề án. Dư nợ của việc phát hành trái phiếu này không tính vào giới hạn dư nợ ngân sách địa phương theo Điều 7, Luật Ngân sách nhà nước.
Đồng thời, để chủ động bố trí vốn triển khai trước công tác đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tách riêng giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án riêng và giao các địa phương bố trí ngân sách chi trả, tổ chức thực hiện.
Cũng tại Đề án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương hình thành gói tín dụng ưu đãi (tương đương với lãi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10 năm) để cấp vốn cho các dự án đường bộ cao tốc nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025.
Trước đó, tháng 6/2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Công văn số 1510/UBND-GT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng một số cơ chế đặc thù Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng xin tách giải phóng mặt bằng (khoảng 1.000 tỷ đồng) thành dự án độc lập, sử dụng vốn ngân sách địa phương và không tính vào tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án.
Để hỗ trợ việc huy động vốn tín dụng Dự án, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất Thủ tướng cho phép phần vốn huy động của nhà đầu tư được vay trong gói tín dụng ưu đãi hạ tầng giao thông do Chính phủ hình thành.
Cùng với các kiến nghị trên, để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, thu hút nhà đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, giao quyền cho địa phương trong việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp… thuộc phạm vi tuyến cao tốc đi qua đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2020 và đã được Bộ GTVT đưa vào danh mục 15 dự án cao tốc ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025.
“Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh sẽ có chi phí xây dựng lớn do địa hình rất khó khăn, lưu lượng xe trong giai đoạn đầu không cao, nên không thể triển khai theo cách thông thường”, ông Môn cho biết.
Tìm vốn từ kênh trái phiếu
Trong khi chờ có thêm những hỗ trợ từ Chính phủ, UBND tỉnh Cao Bằng đang chủ động triển khai một loạt giải pháp nằm trong thẩm quyền để đảm bảo tính khả thi tài chính cho Dự án PPP đầu tư đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Theo đó, bằng việc điều chỉnh phương án hướng tuyến; tách tuyến kết nối TP. Cao Bằng, thực hiện phân kỳ đầu tư, UBND tỉnh Cao Bằng đã tiết giảm tổng mức đầu tư Dự án từ 47.000 tỷ xuống còn 23.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục tính toán để tối ưu và phân kỳ đầu tư giai đoạn I của Dự án chỉ còn khoảng 10.642 tỷ đồng.
UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, với việc Nhà nước tham gia tới 49,5% tổng mức đầu tư, tương ứng với số tiền 5.250 tỷ đồng, Dự án PPP Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh sẽ có thời gian hoàn vốn khoảng 18 năm 4 tháng – đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước.
Điểm độc đáo tại dự án này là, ngoài khoản tiền 870 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ “bật đèn xanh” để nhà đầu tư được huy động vốn bằng hình thức hợp đồng hợp tác (BCC), phát hành trái phiếu, cổ phiếu, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay thương mại từ các ngân hàng thông qua việc địa phương chia sẻ, cam kết mạnh mẽ, bảo lãnh và đồng hành thực hiện Dự án.
Dự kiến, lãi suất huy động từ trái phiếu phục vụ thi công Dự án khoảng 13%/năm, phí phát hành trái phiếu khoảng 4,5% tổng giá trị phát hành.
“Trên thị trường tài chính, mức lãi suất 13% là trung bình khá, nên nếu không vay được vốn tín dụng thương mại, thì Dự án vẫn có thể phát hành thành công trái phiếu công trình. Để việc phát hành thành công, cần có sự chung tay của các bộ, ngành, UBND tỉnh Cao Bằng để đồng hành, chia sẻ gánh nặng tài chính với nhà đầu tư”, GS-TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá.
Dự án PPP Đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 115 km, đoạn qua Lạng Sơn dài 52 km, đoạn qua Cao Bằng dài 63 km. Quy mô Dự án là đường ô tô tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h, các đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế với vận tốc 60 km/h.
Theo/baodautu.vn