Kinh tế

20 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường

Ngày 21/10/2022; Sở Công thương đã tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 – 2032, trên địa bàn TP.HCM.

Chương trình Bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM, được triển khai lần đầu năm 2002 nhằm ổn định giá cả các mặt hàng Tết trong dịp Tết Nguyên đán. Sau 20 năm thực hiện đã có sự chuyển biến căn bản từ nhận thức “Bình ổn giá” sang nhận thức “Bình ổn thị trường”. Từ giải pháp dự trữ hàng hóa là chủ đạo, đến nay chương trình thực hiện bình ổn thị trường dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao, đảm bảo nguồn cung dồi dào, bền vững.

Từ 01 nhóm mặt hàng là lương thực – thực phẩm, lên 04 nhóm mặt hàng như: lương thực thực phẩm, sữa, dược phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng. Năm 2021, 2022 bổ sung thêm các nhóm mặt hàng phục vụ người dân phòng chống dịch Covid-19. Từ nguyên tắc cố định giá; đến nay chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời, có khả năng dẫn dắt thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, luôn thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%.

TP.HCM bắt đầu triển khai chương trình Bình ổn giá từ Tết Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng, giao cho 02 doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài gòn và Công ty Lương thực TP.HCM  thực hiện, với cơ chế tạm ứng vốn trong vòng 03 tháng. Cơ chế triển khai trong giai đoạn này chủ yếu ứng vốn cho doanh nghiệp thu mua, dự trữ các mặt hàng thiết yếu, cung ứng cho thị trường TP.HCM, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày giáp Tết, cận Tết Nguyên đán. Việc hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp giai đoạn này chủ yếu mang tính chất ngắn hạn, ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Qua kinh nghiệm thực hiện, chương trình xác định nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu gồm 08 nhóm mặt hàng như: lương thực, thực phẩm thiết yếu là gạo – nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả…cần bình ổn thị trường. Nổi bật trong giai giai đoạn này là chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đầu tư, phát triển chăn nuôi, giết mổ gia cầm tập trung, quy mô lớn, ứng phó kịp thời dịch cúm gia cầm diễn biến rất phức phức tạp, bùng phát từ cuối năm 2003. Chương trình điều tiết thị trường, ổn định giá cả, xử lý kịp thời hiện tượng khan hàng, sốt giá các mặt hàng gạo năm 2008.

Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, bất đầu huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện chương trình bình ổn. Từ năm 2014, TP.HCM đưa vào sử dụng Logo chương trình Bình ổn thị trường. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021, ứng phó khẩn cấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, 01/04/2020 TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Bình ổn thị trường năm 2020 – Tết Tân Sửu 2021 trên địa bàn, ứng phó khẩn cấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là cơ sở để triển khai nhiều giải pháp ứng phó, dự trữ nguồn hàng, cân đối cung cầu, xử lý các tình huống thị trường liên tục phát sinh mới.

Từ 02 doanh nghiệp nhà nước, đến nay cương trình đã huy động 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng; trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như: Vissan, C.P Việt Nam, Sagrifood, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo), Colusa – Miliket, Bình Tây, Sài Gòn Food, San Hà, Long Bình, Phong Thúy, Phước An, Phú Lộc, Xuân Thái Thịnh, Liên Thành, Cholimex, Vinamlik, Nutifood, TH Truemilk, Hami, MR.Vui, Miti, Vĩnh Tiến, Leedo, Domesco, OPV, Merap, Tipharco, Imexpharm, Pymepharco, Agimexpharm, Stada, Roussel, Naduphar…

Phần lớn các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM đều đã tham gia chương trình như: Saigon Coop, Bách Hoá Xanh, MM Mega Market, Cental Retail, Satra, MM Mega Market, Cental Retail, Aeon Citimart, GS25…

Với cơ chế xã hội hóa nguồn vốn thực hiện chương trình, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn quy mô lớn từ các tổ chức tín dụng như: HFIC, Sacombank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank…, chủ động sử dụng nguồn vốn, đáp ứng đa dạng mục đích của doanh nghiệp, từ ngắn hạn đến dài hạn, từ đầu tư cơ sở vật chất đến vốn lưu động…hỗ trợ doanh nghiệp an tâm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống phân phối, dự trữ nguồn hàng… tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng.

Dù kinh nghiệm thực tế chỉ qua 01 năm tham gia bình ổn thị trường tại TP.HCM, MM Mega Market đã nêu ra 05 kiến nghị như: huy động nhà sản xuất tham gia, không phân ở tại tỉnh – thành nào. Tối đa hóa danh sách các sản phẩm thiết yếu hoặc thống nhất một danh sách các sản phẩm thiết yếu, hạn chế tối đa việc tham gia bình ổn cho có, không đi vào giá trị thực chất. Huy động tất cả các nhà phân phối hiện đại, đặc biệt là các thương hiệu phân phối lớn cùng tham gia để tập hợp, phát huy tối đa sức mạnh của kênh phân phối hiện đại trong công tác giữ ổn định thị trường. Huy động kênh phân phối truyền thống vào hoạt động bình ổn thị trường, mạng lưới 235 chợ, cung cấp khoảng 80% lượng hàng hoá lương thực, thực phẩm cho người dân TP.HCM. Xây dựng lại bộ nhận diện thương hiệu cho chương trình, nhằm khuếch đại chương trình đến người tiêu dùng.

Đại diện Saigon Co.op cho biết: trong 16 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ Bình ổn thị trường, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op bình quân đạt 10.000 tấn/năm. Trong đó, các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70 – 80% tỷ trọng. So với năm đầu tiên tham gia chương trình (2006), đến năm 2021, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 08 lần; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán bình ổn cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán (2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại TP. Hồ Chí Minh là 422 điểm bán).

Từ năm 2013 đến nay, Ngần hàng Nhà nước TP.HCH đã chỉ đạo các cơ sở Tài chính tín dụng liên quan tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp như: Infoodco (2015), Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ (2015), CTCP Chế biến thủy hải sản Liên Thành (2014), Công ty Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong (2014), Công ty Ba Huân (2014), Công ty chế biến Thủy hải sản Liên Thành (2013), Công ty Lilamiti (2022), Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (2022), Công ty Thương mại – Sản xuất Hương Mi (2022).

Chương trình đã hoàn toàn xã hội hóa, quy mô chương trình ngày càng lớn. Ttừ nguồn vốn ngân sách 45 tỷ đồng, doanh thu chương trình đạt 344 tỷ đồng năm 2002. Từ năm 2013, TP.HCM đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng, đến năm 2022 doanh thu của chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng.

Thực tiễn cho thấy bình ổn giá và bình ổn thị trường muốn bền vững chủ yếu phải dựa vào khả năng điều tiết cung cầu thị trường, cung cầu tiền tệ. Trong khi đó, ngoài công cụ điều tiết hiện hành, hiệu quả điều tiết còn tùy thuộc vào sự đồng thuận, chia sẻ của các thành phần kinh tế.

Lê Năm
Tags

XEM THÊM

Close