“Để tiếp nhận các cơ hội về đầu tư kinh doanh phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, tỉnh đã xây dựng một khu công nghiệp (KCN) mới, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng với 230ha, để chào đón các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Mục tiêu làm sao tăng cường cơ sở hạ tầng, kết nối các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là đối với các tỉnh cận kề trong tiểu vùng duyên hải phía Đông (tiếp giáp với Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long)…”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, tại Diễn đàn Mekong Connect 2022, TP. Cần Thơ.
Tăng cường cơ sở hạ tầng, kết nối các tỉnh trong vùng
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: “Nhận thấy tiềm năng từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh ĐBSCL là rất lớn. Do đó, Bến Tre không chỉ phát triển kinh tế theo trục truyền thống quốc lộ (QL) 1 đi về Bến Tre qua QL60, QL57 mà chúng tôi mong muốn mở ra tuyến mới là tuyến động lực ven biển. Với 28 tỉnh, thành ven biển, Bến Tre mong muốn kết nối vào trục đường ven biển của cả nước, đặc biệt là từ TP. Hồ Chí Minh về Bến Tre và tới Kiên Giang dài hơn 700km hiện chưa được xây dựng”.
Hiện nay, tuyến ven biển đã mở đến các tỉnh miền Trung, nhưng từ TP. Hồ Chí Minh đến vùng ĐBSCL thì hiện chưa xây dựng nối tiếp tuyến ven biển này. Vừa qua, Chính phủ đã quan tâm hỗ trợ ĐBSCL bằng cách phân bổ nguồn vốn DPO, ODA (vốn nhà tài trợ quốc tế). Với 65km bờ biển, Bến Tre sẽ đầu tư tuyến đường ven biển khoảng 53km, có 4 cầu chính qua sông Tiền, sông Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Trục này sẽ kết nối giữa Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh, đi về các tỉnh ĐBSCL.
Dự án tuyến động lực ven biển tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài tuyến là 53km. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 15 ngàn tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện giai đoạn 2023 – 2030. Nếu kết nối được ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh qua trục này thì sẽ được rút ngắn quãng đường đáng kể, gần 50% thời gian đi về TP. Hồ Chí Minh qua QL50, Tiền Giang đi Long An và TP. Hồ Chí Minh.
Không chỉ thuần túy về giao thông, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nhận định rằng, tuyến đường này sẽ mở ra hành lang kinh tế ven biển cho các tỉnh ĐBSCL. Từ đó, sẽ giúp Bến Tre đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó là khai thác kinh tế biển, phát triển những ngành nghề triển vọng.
“Quốc hội đang tập trung sửa đổi Luật Đất đai, với định nghĩa mới về đất lấn biển. Do đó, chúng tôi kỳ vọng, với diện tích đất hiện nay, dân số ngày càng tăng, nếu chúng ta không tính toán về vấn đề lấn biển trong tương lai thì sẽ là một thiếu sót. Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có mở rộng hành lang bằng cách lấn biển…”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nói.
Liên kết với tỉnh Vĩnh Long
Hiện nay, Bến Tre đã liên kết với Tiền Giang và Trà Vinh qua 2 cầu Rạch Miễu và cầu Cổ Chiên. Tuy nhiên đối với Vĩnh Long thì Bến Tre vẫn còn phà Đình Khao.
Việc triển khai 3 dự án sẽ tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế, khai thác tốt kinh tế du lịch biển, thủy sản, năng lượng, nông nghiệp.
Do đó, vừa qua Tỉnh ủy và UBND của hai tỉnh đã trao đổi, thống nhất về chủ trương xây cầu, thay thế bến phà Đình Khao bằng cầu Đình Khao, nối liền huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long. Khi đó, Bến Tre sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông bằng đường bộ cho các tỉnh phía Đông. Dự án cầu Đình Khao bắc qua sông Cổ Chiên kết nối tuyến đường bộ Bến Tre – Vĩnh Long, có tổng vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2027.
Dịp này, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn đã bày tỏ sự cảm ơn đến các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ đã giúp cho Bến Tre giải tỏa ách tắc giao thông qua việc khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2, với chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6km vào tháng 3-2022, thời gian thực hiện 2022 – 2025.
Mục tiêu đến năm 2025, Bến Tre sẽ hoàn thiện kết nối các tỉnh duyên hải phía Đông gồm 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Từ đây, tạo tâm thế sẵn sàng về hạ tầng giao thông để kết nối với TP. Hồ Chí Minh. Đó là mục tiêu của Bến Tre trong Quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 và trong Quy hoạch tích hợp tỉnh Bến Tre 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Bến Tre rất mong muốn các ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Quốc hội với dự án lớn về tuyến đường ven biển này sẽ tiếp tục ủng hộ các tỉnh ĐBSCL để chúng tôi cùng với ĐBSCL hoàn thiện kết cấu hạ tầng”, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ.
Các dự án lớn nêu trên nhằm tăng cường kết nối liên vùng giữa Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL; đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Về quy hoạch ĐBSCL, cùng với các trung tâm đầu mối đặt tại các tỉnh, thành có quy mô khu vực ĐBSCL, tỉnh cũng được chọn là 1 trong 8 trung tâm đầu mối để sản xuất các loại cây giống, hoa kiểng. Trung tâm đầu mối này đặt tại huyện Chợ Lách, đang trong giai đoạn triển khai 2021 – 2025.