Văn hóa thể thao
Gà thờ làng Văn Phú
“Quýt Đan Hà, gà Nga Phó” là câu cổ ngữ nói về giống quýt ngon nổi tiếng ở xã Đan Hà (nay là xã Đan Thượng), huyện Hạ Hòa và gà thờ làng Nga Phó (nay là làng Văn Phú), thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê cũng là sản vật vang danh khắp vùng miền, được dân làng chuẩn bị công phu để dâng cúng tổ tiên và Thành hoàng làng mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Mâm xôi gà được chuẩn bị công phu, đẹp mắt rồi rước vào đình làng dự thi.
Theo lời kể của những bậc cao niên trong làng Văn Phú, tục nuôi gà thờ tế Thành hoàng làng và thi chọn mâm gà thờ đẹp nhất vào mỗi dịp Tết Nguyên đán đã có từ lâu đời. Giống gà được chọn nuôi là gà trống Mã Lĩnh với mỏ và chân màu vàng, bộ lông bóng mượt màu đỏ, đen nhấp nhánh như vải lụa Tân Châu (An Giang), thân hình to, đẹp. Gà con sau khi được chọn giống kỹ lưỡng, nuôi một khu riêng đến năm tháng tuổi, sắp biết phủ mái thì đem hoạn (thiến). Muốn gà được hoạn chuẩn đẹp, không bị sứt, người dân trong làng phải nhờ đến những tay thợ giỏi. Ông Đinh Công Nhất ở khu Văn Phú 4, thị trấn Cẩm Khê, một người hoạn gà “cao tay” có tiếng ở làng Văn Phú cho biết: “Thiến để con gà trống lên cân nhanh và có thịt thơm ngon hơn với lớp mỡ dày, vàng ươm nhưng ăn không hề ngấy mà giòn, ngon như thịt nạc, người thợ phải có kỹ thuật tốt thì mới thiến thành công. Thiến sứt một chút mào gà sẽ to, còn con nào thiến chuẩn thì mào sẽ rụt”.
Một mâm xôi gà đặc trưng của làng Văn Phú.
Gà trống sau khi thiến được đem về chăm thêm ít nhất bảy, tám tháng nữa, thức ăn chủ yếu là ngô và thóc. Khi gà đạt trọng lượng trung bình từ bốn đến năm kg một con, người nuôi sẽ xuất bán dần cho những người có nhu cầu. Đêm 30 Tết, gia đình sẽ mổ một con để sáng mùng một dâng cỗ lên đình làng cầu an khang, tài lộc. Còn những gia đình được bình xét đủ điều kiện dự thi mâm gà thờ đẹp sẽ để dành con gà đẹp nhất, đến hội đình làng vào ngày mùng bảy tháng Giêng thì mổ để dâng cúng Thành hoàng làng và tham gia thi.
Dẫn chúng tôi đi xem đàn gà thờ hơn chục con được quây nuôi riêng phía sau nhà, ông Nhất chỉ vào vài con đẹp mã, cao to đã nặng hơn sáu cân: “Nuôi giống gà này đến khi đạt trọng lượng phải mất đến hơn một năm, lắm công phu, thức ăn lại tốn kém, nên người nuôi chúng tôi không tính chuyện làm giàu. Trong làng còn kha khá nhà nuôi gà thờ nhưng số lượng mỗi đàn không nhiều. Nhà nào nuôi nhiều nhất thì tầm 20 – 30 con, ít thì chục con một năm thôi”.
Những con gà thờ được lựa chọn và chăm sóc kỹ càng, nên đẹp mã, cao to.
Nuôi gà đã công phu, khâu mổ, uốn, luộc gà còn tỉ mỉ hơn nhiều lần. Ông Nguyễn Thống Nhất, thành viên Ban quản lý đình Văn Phú kể lại: “Riêng công đoạn cắt tiết, người làm phải chuẩn bị dao nứa cắt ở phần lưỡi hoặc dùng cây kim châm chính xác vào huyệt ở tai con gà để tiết chảy đều, phần cổ con gà nhìn vẫn nguyên vẹn, gọi là cắt mà như không cắt. Nước làm lông không quá sôi, nóng già vừa tầm, phải nhẹ tay mà nhổ từng chiếc lông để không làm trầy, tróc da gà. Khi cho gà vào nồi luộc thì dùng lạt buộc, lấy lá chuối non lót để uốn cổ cánh, nhét lá chuối khô xé nhỏ vào bụng để con gà luôn căng phồng, sau đó tháo lạt, té nước vào con gà cho nguội rồi uốn hình cánh phượng. Xong xuôi thì đặt con gà lên mâm xôi nếp đắp vuông vắn cùng hoa quả, rượu, bánh rồi rước vào đình làng dự thi”.
Công phu, tỉ mỉ như vậy nên những người thạo nghề mổ và uốn gà ở làng Văn Phú được ví như nghệ nhân. Mâm gà thờ của làng từ đó cũng mang một nét rất riêng và nổi tiếng khắp các vùng: Con gà vàng óng, căng mẩy ở thế nằm với hai chân duỗi thẳng, cổ vươn cao, đầu hướng lên cao oai phong, hai cánh bay xòe đều, đẹp mắt. Mỗi khi đến dịp lễ, Tết nhiều người thường về làng Văn Phú mua gà thờ để đem biếu hoặc đặt cả mâm xôi gà để dâng cúng. Hiện gà thờ ở làng đang được bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg, một mâm xôi gà hoàn chỉnh khoảng 1.800.000 -2.000.000 đồng.
Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm, tục nuôi gà thờ của người dân làng Văn Phú đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, cần được giữ gìn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân nơi đây và những giá trị văn hóa vùng Đất Tổ.