Du lịch

Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch 08 tỉnh Đông Bắc 2023

Sáng ngày 08/04/2023; tại TP.HCM đã diễn Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch 08 tỉnh Đông Bắc 2023, bao gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, giai đoạn 2020 – 2025, do tỉnh Bắc Kạn – Trưởng nhóm liên kết tổ chức.

Vùng Đông Bắc là địa bàn cư trú của gần 30 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời. Trong quá trình lao động, sản xuất, các dân tộc đều tạo ra các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, riêng có được thể hiện thông qua kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục, sinh hoạt tín ngưỡng riêng, dân ca, dân vũ… được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đến với 08 tỉnh Đông Bắc, du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương, thưởng thức các món ăn truyền thống hay hòa mình vào những làn điệu âm nhạc dân gian, những điệu múa đặc trưng của các bản làng dân tộc thiểu số… Đông Bắc có tiềm năng rất lớn trong việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc.

Đông Bắc còn có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú; các làn điệu dân ca của cộng đồng dân tộc Đông Bắc mang tính sáng tạo, gắn kết cộng đồng, trở thành giá trị văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Những giá trị này  trở thành biểu tượng, dòng chảy tinh túy mang đậm chất văn hóa Đông Bắc. Trong đó, Hát Then – một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng và giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào Tày, Nùng, Thái được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung và 08 tỉnh vùng Đông Bắc nói riêng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh như: Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Phú Thọ), Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Nhiều vịnh, thác, hồ huyền thoại như: Vịnh Hạ Long, Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Hồ Na Hang (Tuyên Quang), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Hồ Cấm Sơn (Bắc Giang); nhiều hệ thống hang động đẹp như: Động Nhị Thanh (Lạng Sơn), Động Ngườm Ngao (Cao Bằng), Động Hua Mạ, hang Thẳm Phầy (Bắc Kạn), động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt (Quảng Ninh). Vườn quốc gia như: Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); các khu bảo tồn thiên nhiên… Với thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, 08 tỉnh Đông Bắc có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm… hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá.

Vùng Đông Bắc có di tích lịch sử Đền Hùng và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia. Được biết đến là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam như: Chiến khu Việt Bắc, mỗi tấc đất ở Việt Bắc đều gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ với hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị du lịch đặc biệt quan trọng và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng.

[Trực tiếp] Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch 8 tỉnh Đông Bắc và thành phố Hồ Chí Minh ảnh 5

Đồng chí Trần Phong Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch

Theo đồng chí Trần Phong Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch: 08 tỉnh đang liên kết du lịch thuận lợi. Nếu mở rộng liên kết với các cơ quan truyền thông thì quảng bá hiệu quả sẽ tốt hơn nữa. Liên kết này giúp các Hiệp hội Du lịch 08 tỉnh Đông Bắc với TP.HCM thuận lợi trong hợp tác..

Trong quý I/2023; tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của 9 tỉnh – thành phố trong chương trình liên kết đạt hơn 13 triệu lượt khách (trong đó có hơn 700.000 lượt khách quốc tế), thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã thể hiện rõ sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của 9 tỉnh – thành phố tham gia chương trình liên kết trong việc chung tay xây dựng, phục hồi du lịch Việt Nam.

Lê Năm
Tags

XEM THÊM

Close