Doanh nhân

Khi trí thức Việt Nam ra đi là để trở về quê hương làm doanh nhân

Marvell đã hoạt động ở Việt Nam được 10 năm, kể từ tháng 10/2013 đến nay, bắt đầu từ một nhóm kỹ sư nhỏ khoảng 15 người cho tới con số 300 kỹ sư ở thời điểm hiện tại. Từ đầu 2022 cho tới nay, Marvell Việt Nam đã tuyển được 97 kỹ sư mới.

TS.Lợi Nguyễn – Phó chủ tịch cấp cao Marvell toàn cầu và TS.Lê Quang Đạm – TGĐ Marvell Việt Nam, chính là 02 nhân vật chính làm nền tảng cho việc thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM. TS.Lợi Nguyễn; sinh ra tại TP.HCM, khi Inphi mua lại eSilicon và Arrive Technology – 02 Công ty tư nhân có trụ sở tại TP.HCM, TS.Lợi Nguyễn đã quay lại tham gia giải quyết công việc trên cương vị Phó chủ tịch Điều hành tại Marvell và là lãnh đạo bảo trợ cho các hoạt động của Marvell tại Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Thiết kế Vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM. Trước khi gia nhập Marvell, TS.Nguyễn Lợi là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đại học Cornell thuộc nhóm Ivy League tại Mỹ . Những đóng góp đáng kể của TS.Nguyễn Lợi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như: phát triển cá thiết bị bán dẫn tốc độ cao cho các ứng dụng truyền thông quang học, truyền thông vệ tinh và phát song, radar ô tô, cũng như nghiên cứu về bức xạ vi song vũ trụ sơ khai.

TS.Lê Quang Đạm – TGĐ Marvell Việt Nam; tốt nghiệp cử nhân toán – lý, ĐH.KHTN – TP.HCM, nhận bằng Thạc sĩ Vật lý từ đại học Moncton – Canada, tiến sĩ Kỹ thuật điện tử từ đại học Laval – Canada, tiến tục nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại đại học Sherbrooke – Canada, trước khi bắt đầu sự nghiệp trong ngành vi mạch và bán dẫn. Trước khi nhận cương vị tổng giám đốc Marvell Việt Nam, TS.Lê Quang Đạm đã chịu trách nhiệm về hoạt động kỹ thuật và vận hành của Marvell Technology Việt Nam.

Tại buổi ra mắt Trung tâm Thiết kế Vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM; TS.Lợi Nguyễn – Phó chủ tịch cấp cao Marvell toàn cầu và TS.Lê Quang Đạm – TGĐ Marvell Việt Namđã có cuộc trao đổi với báo chí:

TS.Lợi Nguyễn (bên trái) và TS.Lê Quang Đạm (bên phải), trả lời phỏng vấn của báo chí

Lý do tăng tốc tuyển dụng tại Marvell Việt Nam?

Đó là do kế hoạch làm việc của công ty Marvell, đặc biệt Marvell Việt Nam, đã được chuyển đổi theo chiều hướng tích cực.  Thứ nhất, từ năm 2021, công ty mẹ Marvell đã sát nhập với công ty Inphil chuyên về kết nối quang học (optical connectivity) – đó là lĩnh vực mà Marvell muốn tăng cường thêm.  Sau khi sát nhập Inphil vào Marvell trên toàn cầu, 2 công ty con Marvell và Inphil ở Việt Nam cũng đã sát nhập vào với nhau.  Thứ hai, vào năm 2022, do Marvell có kế hoạch phát triển về kết nối quang học nên cần rất nhiều nhân sự.  Cả hai yếu tố này đã góp phần giúp Marvell Việt Nam có sự phát triển rất lớn về mặt nhân sự.

Ông có thể chia sẻ những lĩnh vực và thành tựu nổi bật của Marvell Việt Nam trong suốt 10 năm vừa qua?

Marvell Việt Nam có khởi đầu rất khiêm tốn, chỉ với một nhóm kỹ sư nhỏ khoảng 15-20 em và bắt đầu đảm nhận những dự án nhỏ về bộ điều khiển của thiết bị lưu trữ, bao gồm thiết kế giao diện.  Sau đó, chúng tôi nhận thấy rằng Marvell có thể mở rộng hoạt động ở Việt Nam vì nguồn nhân lực Việt Nam có chất lượng rất tốt.  Từ đó Marvell Việt Nam phát triển và mở rộng phạm vi dự án, bao gồm bộ phận lưu trữ, thiết kế kết nối quang học và đồng, sau đó đến trí tuệ nhân tạo (AI) và xe hơi thông minh, rồi phát triển những công nghệ mới và đảm nhiệm những thiết kế hiện đại hơn, có tốc độ nhanh hơn, với những công nghệ từ 12 nano xuống còn 5 nano, thậm chí 3 nano.  Đó là lý do tại sao Marvell Việt Nam phát triển rất nhanh đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, vì chúng tôi phát triển những sản phẩm mở rộng đến những lĩnh vực hiện đại nhất, tối tân nhất trên thế giới.

Marvell công bố phát triển trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới.  Vậy mục đích chính của công bố này là gì?

10 năm trước, Marvell làm chủ yếu về các sản phẩm lưu trữ (storage).  Khi Marvell mua lại Inphil, và tôi trở thành Phó chủ tịch cao cấp của Marvell, thì lúc đó Marvell mới mở rộng sang mảng kết nối quang (optical connectivity).  Đó là lý do chúng tôi mở trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại Việt Nam, để tổng hợp tất cả các nhân tài kỹ thuật từ các mảng khác nhau, làm việc cùng nhau để hướng tới những kết quả tốt đẹp hơn nữa.

Hiện tại Marvell đã có 300 kỹ sư.  Trong 3-5 năm tới, công ty có dự định tuyển thêm bao nhiêu kỹ sư, và ông đánh giá như thế nào về chất lượng kỹ sư ở Việt Nam?

Một trong những điều cấp bách nhất là đào tạo các sinh viên giỏi, vì Trung tâm thiết kế cần rất nhiều kỹ năng.   Như các bạn đã biết, ĐH Bách Khoa một năm  tuyển sinhi 900 sinh viên ở rất nhiều ngành khác nhau, nhưng chỉ có tối đa 100 sinh viên là theo đuổi chuyên ngành liên quan tới vi mạch & bán dẫn, trong khi trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp chuyên về mảng này cũng đang rất quyết liệt tuyển dụng. Để tuyển được đủ người, Marvell cần phải có thương hiệu – mọi người cần biết Marvell là ai, làm những sản phẩm gì, và tại sao nên đến làm việc ở Marvell thay vì ở những doanh nghiệp khác. Trong vòng 2-3 năm nữa, việc Marvell có thể mở rộng quy mô lên 500, hay 1,000 kỹ sư phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và số lượng nguồn nhân sự có sẵn tại Việt Nam.  Đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với các trường đại học và mở ra chương trình học bổng dành cho các sinh viên tài năng để thúc đẩy nguồn nhân lực vi mạch chất lượng cao.

Marvell có bao nhiêu trung tâm thiết kế trên phạm vi toàn cầu?

Marvell là doanh nghiệp toàn cầu, với hoạt động ở Mỹ, Ấn độ, Việt Nam, Singapore, v.v… Mỗi một trung tâm đều tập trung vào một lĩnh vực khác nhau mà trung tâm đó có sở trường.  Ví dụ trung tâm ở Ấn độ tập trung chủ yếu vào các dự án phần mềm và thiết kế số (digital design), Singapore sẽ làm về quang học, phát triển sản phẩm (product engineering), kiểm thử (testing), còn Việt Nam sẽ cùng làm việc với Marvell Mỹ về thiết kế vi mạch.  Marvell có rất nhiều trung tâm thiết kế ở nhiều nước khác nhau, nhưng trung tâm thiết kế ở Việt Nam sẽ là trung tâm hàng đầu của Marvell trên phạm vi toàn cầu.

Marvell chỉ hợp tác với các trường đại học về đào tạo nhân tài hay cả về nghiên cứu nữa? Marvell ở Việt Nam có làm được các sản phẩm riêng biệt cụ thể nào không hay chỉ tham gia làm cùng với đội Marvell ở các nước khác?

Đây là câu hỏi rất hay.  Tôi có thể bật mí với các bạn rằng đã có những dự án, những con chip được thiết kế ngay tại Marvell Việt Nam, và người lãnh đạo dự án đó là người Việt, làm việc tại Việt Nam.  Như vậy có thể nói là các kỹ sư Việt đã để lại dấu ấn các dự án vi mạch tầm cỡ toàn cầu. Đối với những dự án thiết kế công nghệ thế hệ mới (next generation) như 1600 – thì chúng ta cần phải hợp tác với toàn cầu bởi vì những dự án như vậy rất khó, cần nhiều kỹ năng và chuyên môn ở phạm vi toàn cầu.

Lý do tại sao các ông lại công bố kế hoạch thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tầm cỡ thế giới?  Tầm cỡ thế giới ở đây có ý nghĩa như thế nào và cụ thể là gì, thưa ông?

Tầm cỡ quốc tế ở đây không chỉ nói về số lượng, mà quan trọng hơn là chất lượng nhân sự.  Chúng ta sẽ nghiên cứu và thiết kế trong những lĩnh vực công nghệ mới nhất mà trước đây chúng ta chưa từng làm.  Thực sự rất ít quốc gia có thể làm chủ hoàn toàn những dự án, những công nghệ mới này.  Đó là lý do tại sao tất cả các nhóm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam Singapore, Ấn độ, Mỹ, Isarel sẽ làm việc chung với nhau để cùng làm những dự án trên những công nghệ mới nhất như thế này. Marvell Việt Nam cũng rất vinh dự được tham gia vào những dự án có quy mô toàn cầu này.

Quy mô đầu tư của trung tâm thiết kế này là như thế nào, thưa ông?

Đây là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), nên chủ yếu Marvell sẽ đầu tư vào các yếu tố con người, như chi phí lương thưởng, phúc lợi cho nhân viên, và chi phí R&D.  Chi phí R&D trong lĩnh vực vi mạch & bán dẫn là vô cùng lớn.  Tôi lấy ví dụ chi phí tape out một con chip thế hệ mới (từ khâu nghiên cứu, thiết kế cho tới khi con chip đó đã sẵn sàng sản xuất).  Chi phí tape out một con chip 5 nanometer có thể lên đến 50 triệu USD, còn chi phí tape out một con chip 3 nanometer sẽ ở mức trên 100 triệu USD. Do đó, chi phí đầu tư vào một trung tâm thiết kế vi mạch là vô cùng lớn. Việc đầu tư vào trung tâm thiết kế rất khác so với đầu tư vào một nhà máy vì nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám cao rất hạn chế.  Nếu xây một nhà máy sản xuất chip, chúng ta sẽ rất dễ dàng đưa ra những con số to lớn như nhà máy xây dựng trên tổng diện tích bao nhiêu nghìn m2, sẽ tuyển dụng bao nhiêu công nhân.  Tuy nhiên, với một trung tâm thiết kế, việc tuyển dụng 1000 nhân viên trong vòng 3 hay 6 tháng tới sẽ là điều bất khả thi, vì chúng ta không thể đào tạo một kỹ sư lành nghề trong vòng vài tháng.

Xin cho biết, Marvell có sản xuất vi mạch hay chỉ làm dịch vụ?

Marvell Việt Nam không sản xuất, không có bộ phận bán hàng, mà chúng tôi chỉ tập trung làm R&D. Mô hình kinh doanh của Marvell toàn cầu là mô hình fabless, có nghĩa là chúng tôi thiết kế chip và sau đó thuê các nhà sản xuất gia công con chip đó cho chúng tôi. Marvell không có bất cứ nhà máy nào trên phạm vi toàn cầu.Việc sản xuất chip sẽ do các bên thứ 03 đảm nhiệm, ví dụ như công ty TSMC (Đài Loan), Samsung, UMC… Những công ty này có công nghệ và cơ sở hạ tầng phù hợp để sản xuất chip sao cho có hiệu quả lớn nhất về mặt chi phí. Tuy nhiên, nếu các công ty như TSMC hay Samsung có ý định thành lập nhà máy sản xuất chip ở Việt Nam, có thể Marvell sẽ là khách hàng cho các nhà máy đó.

Marvell đã hoạt động tại Việt Nam được 10 năm.  Điều gì khiến Marvell quyết tâm nâng tầm hoạt động của trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam lên tầm thế giới? Việt Nam có những lợi thế nào trong lĩnh vực này?

Có 02 lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung vào, đó là cơ sở dữ liệu đám mây (cloud datacenter) và trí tuệ nhân tạo (AI). Trong 10 năm vừa qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án. Nguồn nhân lực của Việt Nam đã phát triển đủ để chúng ta có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất.  Đó là lý do tại sao Marvell quyết định nâng tầm Marvell Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế tầm cỡ thế giới.

 Hiện nay trên xu hướng cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.  Tại sao Marvell lại đi ngược xu thế này và tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng tại Việt Nam?

Có 04 yếu tố chính tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam: nguồn nhân lực, sự ổn định về kinh tế và xã hội, văn hóa năng động và quan trọng nhất, Việt Nam là nơi đầu tư rất hiệu quả về mặt chi phí (cost-effective). Đúng là ngành công nghệ đang cắt giảm nhân sự rất mạnh, tuy nhiên Việt Nam và Ấn độ vẫn là hai nước mang đến hiệu quả rất tốt về mặt đầu tư thiết kế vi mạch.  Đó là lý do tại sao Marvell toàn cầu vẫn cam kết phát triển và mở rộng tuyển dụng tại Việt Nam.

Việc tuyển dụng của Marvell có gặp khó khăn gì không?

Thực sự việc tuyển dụng là công việc đầy thách thức vì nguồn nhân lực vi mạch ở Việt Nam là không nhiều.  Tuy nhiên, Marvell cũng đang hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam để đưa các môn học liên quan đến vi mạch và bán dẫn vào chương trình giảng dạy.  Chúng tôi cũng đề xuất các chương trình hợp tác đào tạo với các trường để mở rộng nguồn nhân lực vi mạch cho các dự định tương lai.

Chương trình học bổng sẽ được thực hiện theo định kỳ hay theo dự án, thưa ông?

Đây là chương trình học bổng thường niên, và 2023 là năm đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình này.  Mỗi suất học bổng trị giá tương đương 2.000 USD. Marvell dự kiến sẽ tăng số lượng học bổng được trao tặng cho sinh viên, đặc biệt các bạn sinh viên nữ hay các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Việc trao học bổng cho sinh viên đang theo học ở các trường đại học, có ràng buộc phải hợp tác với Marvell Việt Nam không?

Hoàn toàn không, đây là 10 suất học bổng đầu tiên được trao nhân dịp ra mắt Trung tâm. Mỗi năm Marvell sẽ tổ chức trao học bổng 01 lần. Marvell khuyến khích các em học tập và có quyền sử dụng số tiền học bổng 2.000 USD một cách tự do mà không có ràng buộc nào cả. Ngoài ra, Marvell sẽ hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam, giới thiệu các chương trình học liên quan đến vi mạch và bán dẫn, để các sinh viên của Việt Nam hiểu rõ hơn giá trị nghiên cứu và hoạt động của Trung tâm.

Các ông đánh giá các kỹ sư phần cứng và phần mềm ở Việt Nam có ưu điểm và nhược điểm gì?

Ưu điểm thì rất nhiều.  (1) Các em kỹ sư rất năng nổ trong việc học và học rất nhanh. (2) Thái độ làm việc rất tích cực, thực sự có trách nhiệm và hết mình với công việc, điều này dẫn đến hiệu quả công việc rất tốt. (3) Các kỹ sư Việt Nam thường có thái độ cởi mở và rất hợp tác với các chi nhánh khác, dẫn tới hiệu quả làm việc nhóm (teamwork) rất cao. Tuy nhiên, các bạn kỹ sư Việt Nam vẫn có 2 điểm cần phải cải thiện.  Đầu tiên, mặc dù trong 10 năm qua, các bạn kỹ sư Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, nhưng nếu so với kỹ sư các nước khác như Ấn độ, thì chúng ta vẫn còn phải làm nhiều để thu hẹp khoảng cách.  Thứ hai, là kỹ năng quản lý dự án, không chỉ là chuyên môn, mà còn phải có kỹ năng quản lý tiến độ, phân chia công việc một cách hiệu quả.

Lê Năm

XEM THÊM

Close