Doanh nghiệp

Bế mạc InnoEx đưa ra thông điệp VN sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo xanh

Tại InnoEx – các chuyên gia thảo luận Việt Nam cần là một đại diện dẫn đầu Đông Nam Á về phát triển bền vững. Các CEO bàn về động cơ đổi mới, cân bằng “Thế” và “lực để doanh nghiệp đổi mới thành công. Còn các startup tranh tài với nhiều dự án “green innovation” và quán quân CỎ CÂY HOA LÁ – dự án mở ra xu hướng sản phẩm thiên nhiên bền vững – xuất sắc “chinh phục” giải thưởng lên tới 400 triệu đồng tại Startup Wheel – cuộc thi khởi nghiệp uy tín của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Với hơn 20.000 lượt người tham dự, InnoEx 2023 mở ra không gian kết nối đầu tư, kết nối đổi mới sáng tạo chuyên sâu dành riêng cho khoảng 70 quỹ đầu tư, ngân hàng, định chế tài chính Việt Nam trong nước và quốc tế cùng hơn 200 doanh nghiệp và startup đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự hội tụ của các diễn đàn và cuộc thi startup lớn, InnoEx được xem là một trong những sự kiện lớn nhất ở Việt Nam về đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Ông Dương Anh Đức – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM gửi thông điệp: sự kiện quốc tế về Innovation, kinh tế xanh và phát triển bền vững diễn ra trong bối cảnh đặc biệt quan trọng của Thành phố sau Nghị quyết 98 chính thức hiệu lực, đồng thời trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thành phố 2023”. Thông qua InnoEx 2023, đây chính là nguồn tài nguyên và là động lực quý báu giúp kinh tế thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung gia tăng lợi thế cạnh tranh.

“Đổi mới, suy cho cùng tiền bạc hay công nghệ chưa phải là khó nhất. Tốc độ của nhận thức và biên giới của tư duy mới là rào cản lớn nhất. Tại InnoEx 2023, sự có mặt của các công ty đổi mới và các nhà lãnh đạo tiên phong quan tâm đến đổi mới đã là một bước khởi đầu cho việc hiện thực hoá mong muốn tăng tốc và xoá nhoà những biên giới của sự đổi mới” – bà Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO IBP, Trưởng BTC InnoEx chia sẻ.

Green Summit 2023: Phát triển xanh còn là lợi thế cạnh tranh kinh tế

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: với cách tiếp cận của lãnh đạo thành phố ngày nay thì “Xanh” không chỉ có nghĩa là đi bảo vệ môi trường hay giải quyết các vấn đề xã hội, mà Xanh là lợi thế cạnh tranh của chúng ta trong phát triển kinh tế.

Ông nhấn mạnh rằng TP.HCM đã tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng không còn như mong đợi ở mức hai con số nữa. Do đó, thành phố đã và đang chọn cách tiếp cập khác, hướng suy nghĩ khác. “Trong những cái khác đó, hai cái quan trọng nhất là ‘xanh’ và ‘số’ – chủ đề của InnoEx ngày hôm nay” – ông Vũ nói.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Chik Wai Chiew – Giám đốc điều hành tại Heritas Capital nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á. Phát triển bền vững là đề tài được quan tâm nhất hiện nay và theo đó tôi cho rằng Việt Nam là một trong những nơi hàng đầu có thể cho phần còn lại của khu vực thấy được phát triển bền vững nên được thực thi như thế nào.”

Thảo luận về xu hướng đầu tư tạo tác động – impact investingcác nhà đầu tư thống nhất rằng đầu tư lĩnh vực này đòi hỏi nhiều công sức cũng như sự kỹ càng hơn trong việc đo lường và thể hiện sự tác động của giải pháp tới xã hội. Do đó, việc thuyết phục các nhà đầu tư xuống tiền cũng gặp nhiều trở ngại hơn so với các giải pháp công nghệ trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh khác.

Động cơ Đổi mới sáng tạo: hiểu đúng, làm “trúng”

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang cần tăng tốc và không có con đường nào khác ngoài động lực của đổi mới sáng tạo. Ông Albert Antoine – thành viên ban cố vấn InnoEx 2023 – từng là cố vấn chiến lược về Đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học Dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore nhận định: đổi mới không chỉ là câu chuyện của chuyển đổi số hay có yếu tố công nghệ, đổi mới bắt đầu từ tư duy và nó là hành trang của mỗi doanh nhân trong hành trình kinh doanh.

Trong “Tìm kiếm một góc nhìn khác về động cơ đổi mới” với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT, Rynan Technology Vietnam nhấn mạnhmuốn thay đổi phải bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ, muốn thay đổi nhanh phải đầu tư vào những người trẻ. Khi nghĩ về động cơ đổi mới, phải suy nghĩ ngoài khung, nghĩ khác biệt và chịu làm, chịu dấn thân, sẵn sàng cải tiến.

 

Ông Trần Lệ Nguyên – Nhà đồng sáng lập, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Tập đoàn KIDO nhấn mạnh: trải qua đại dịch, chúng ta thấy hành vi người tiêu dùng đã thay đổi, vì vậy “xu hướng” là chìa khoá. Song song, kết hợp với công nghệ để đo lường liên tục để nắm bắt xu thế thị trường và đi vào bên trong doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của hành vi người tiêu dùng. Nhưng muốn mở rộng tư duy, chúng ta cần nắm bắt xu hướng thế giới.”

Còn Ông Steven Trương – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc, VinBrain (VinGroup) chia sẻ: tại sao một tập đoàn 2.500 tỷ USD như Microsoft luôn phải thay đổi? Vì không thay đổi sẽ chết.

Nhấn mạnh trong phiên thảo luận Dẫn dắt Doanh nghiệp thành công bằng Động cơ Đổi mới, các khách mời đồng tình: không thay đổi là chết và đổi mới là sống còn và Innovation chính là DNA trong mỗi người, mỗi doanh nghiệp.

CEO Forum 2023: “Thế” và “lực” cân bằng thì doanh nghiệp đổi mới thành công

Tại các phiên thảo luận, các diễn giả thống nhất rằng đổi mới sáng tạo cần phải được quản trị bài bản, trong đó các giải pháp số hóa, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, phát triển bền vững, và hợp tác với các đơn vị khác là những định hướng chính của hành trình này.

Trong bài trình bàyông Lê Trí Thông – Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM – Phó Chủ tịch HĐQT & CEO Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), khẳng định: đổi mới sáng tạo phải là câu chuyện của các doanh nghiệp có thể nắm bắt được “thế” để chuyển hóa thành “lực” một cách phù hợp với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Cụ thể, cần định vị được các dòng chảy trào lưu bên ngoài, xác định được hiện trạng và lợi thế của doanh nghiệp cũng như nguồn lực con người để chuyển biến nó thành sức mạnh.

“Quy mô lớn mà không có năng lực đổi mới và quản trị sự thay đổi thì vị thế nhờ quy mô trở thành lời nguyền”, ông nói. “‘Thế’ và ‘Lực’ như hai chiếc chân phải dài bằng nhau, phải cân bằng nhau thì mới có thể thực hiện đổi mới sáng tạo thành công.”

Nhìn vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời – một trong những tập đoàn hàng đầu trong sản xuất nông sản, nhấn mạnh rằng với “thế” thuận lợi khi nền nông nghiệp Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới và giá gạo hiện tăng cao do các tác động của biển đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Các diễn giả tại sự kiện cũng thống nhất rằng đổi mới sáng tạo phải là công việc liên tục và bền bỉ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, chứ không thể có chuyến tàu “nay đi mai dừng”. Đó phải là công việc của tất cả tập thể mà đứng đầu là tư duy và năng lực của đội ngũ lãnh đạo. Theo đó, đầu tư đào tạo con người để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là một trong những  nhiệm vụ quan trọng nhất của các hành khách khi bước lên chuyến tàu này.

Startup sản phẩm thiên nhiên giành giải 400 triệu đồng từ Startup Wheel

Trải qua chặng đường 11 năm – Startup Wheel với quy mô quốc tế đã thu hút sự tham gia của hơn 13.000 dự án trong nước và quốc tế; sự đồng hành của hơn 300 đối tác trong nước và quốc tế là các Tổ chức tăng tốc, Vườn ươm, Quỹ đầu tư, Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp,…

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, CEO BSSC và Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) chia sẻ: thông qua những con số về các dự án được gửi về, chúng ta thấy được những sự khác nhau giữa bảng Việt Nam và quốc tế. Tỷ trọng các dự án về công nghệ rất nhiều, chiếm đến 30% tổng số các dự án tham gia Starup Wheel trong khi quốc tế tỷ trọng dự án công nghệ chỉ chiếm 20%, thay vào đó, tỷ trọng các dự án quốc tế liên quan đến dịch vụ rất nhiều. Điều đó cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng trong mảng dịch vụ trong mắt bạn bè quốc tế.

Tại Bảng Việt Nam, Quán quân chung cuộc Startup Wheel 2023 là Cỏ cây hoa lá – thương hiệu tiên phong sử dụng thành phần hữu cơ trong sản xuất mỹ phẩm, được sáng lập bởi nữ startup trẻ Nguyễn Lan Phương. Cỏ cây hoa lá sử dụng những nguyên liệu truyền thống thân thuộc với người Việt và nhận được chứng nhận EcoCert – một trong những tổ chức hữu cơ lớn thế giới. Trải qua 5 năm khởi nghiệp, Cỏ cây hoa lá đã đã xuất hiện tại 5000+ điểm bán trên toàn quốc và tiếp cận đến các thị trường Singapore, Malaysia, Đài Loan với khát vọng mang những nguyên liệu thiên nhiên của người Việt tới gần hơn với thị trường quốc tế.

Những sản phẩm của Cỏ cây hoa lá là sự khẳng định mạnh mẽ về xu hướng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, tương đồng với chia sẻ từ ông Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT CTCP Rynan Technologies Vietnam: phải nghĩ khác, phải làm khác và phát triển bền vững. Chúng ta có thể hiểu là nông nghiệp tương lai sẽ không có thuốc bảo vệ thực vật và cũng không có phân bón vô cơ.

03 startup xuất sắc góp mặt trong top 4 chung cuộc, giải nhì thuộc về Drone Light Show – doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ “Trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng thiết bị bay không người lái”; còn giải ba là Sổ Bán Hàng – dự án giúp các chủ kinh doanh nhỏ phát triển qua các giải pháp công nghệ sáng tạo hiệu quả với chi phí thấp; giải thưởng Innovation for Sustainable Growth đã thuộc về dự án Alterno với sản phẩm pin cát – thiết bị lưu trữ nhiệt nhận được nhiều sự quan tâm trên thế giới. Top 10 bảng Việt Nam bao gồm: Sổ Bán hàng, Smartos, Smart Buddy, Men Stay Simplicity, Drone Light Show, DIGIME Co. LTD, Cubable JSC, Công nghệ MC Ảo – AiClip.Ai, Cỏ Cây Hoa Lá, Alternō.

Bên cạnh đó, 05 đội thi xuất sắc vượt qua các dự án đến từ năm châu lục tại Bảng Quốc tế Startup Wheel 2023 chính là Hodoo Labs, Fin2B, Staple, ViAct, Regene Bio thuộc thương hiệu MUU với chiến thắng thuyết phục thuộc về ViAct. Đây là dự án đến từ Hồng Kông với công nghệ phân tích Video bằng AI để đảm bảo an toàn tại các công trường xây dựng. Đây là những đội thi xuất sắc nhất trong các mô hình tiêu biểu Quốc tế trong một Bảng riêng, được Startup Wheel chọn từ hơn 250 dự án quốc tế thuộc 33 quốc gia trên cả 5 châu lục.

 Ngoài ra, Startup Wheel 2023 còn sở hữu những điểm nhấn đặc biệt với các giải thưởng phụ như “Nữ founder xuất sắc nhất” thuộc về thương hiệu Cỏ cây hoa lá, “Thí sinh ấn tượng nhất” thuộc về Drone Light Show và Quán quân Talent Hub (Bảng Sinh viên Startup Wheel) thuộc về dự án HATUS – Mặt nạ hạt sen rau má của nhóm sinh viên năm 03 Đại học Cần Thơ.

Lê Năm
Tags

XEM THÊM

Close