Tin tức
Chương trình đô thị các-bon thấp của TP.HCM
Ngày 29/08/2023; tại TP.HCM đã diễn hội thảo: tham vấn các bên liên quan về một số cơ chế triển khai cho các dự án trong chương trình đô thị các-bon thấp của TP.HCM.
Trên cơ sở hoạt động hợp tác hiện nay giữa Nhóm NHTG và TP.HCM về lĩnh vực phát thải các-bon thấp, triển khai dự án các-bon thấp và tài chính các-bon nói riêng, hội thảo được Nhóm NHTG và Sở Tài nguyên chủ trì. Nhóm Ngân hàng Thế giới, đại diện là ông Marc Forni – Chuyên gia trưởng về Năng lực thích ứng của đô thị, Điều phối viên Nhóm HWG, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Đại diện TP.HCM là bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tham dự là 60 đại diện các đơn vị của TP.HCM như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Ngoại vụ…các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Phát triển, các Trường đại học, doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Hiệp hội Khách sạn và Dịch vụ, Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA), các doanh nghiệp sản xuất xe máy điện, doanh nghiệp có phát thải nhiều các-bon, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Dự án nhằm tăng khả năng sản xuất năng lượng tái tạo thông qua lắp đặt quang điện mặt trời trên mái nhà của các tòa nhà công cộng và tư nhân. Đây là một biện pháp thiết thực để giảm phát thải KNK và nhu cầu năng lượng cho TP.HCM. Điện phát ra từ hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà sẽ được sử dụng trực tiếp tại chỗ bởi các tòa nhà công cộng, tư nhân, thương mại và dân cư. Chương trình này tập trung vào năng lượng mặt trời mái nhà dưới 01 MW được kết nối nhưng không hòa vào lưới điện quốc gia. Thời gian hoạt động dự kiến của dự án 25 năm.
Phúc lợi kinh tế: làm giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu giúp tiết kiệm ngoại hối và cải thiện an ninh năng lượng. Giảm chi phí tiền điện.
Phúc lợi xã hội: việc thực hiện dự án này sẽ tạo ra nhiều việc làm tại thời điểm lắp đặt, bảo trì định kỳ và các dịch vụ sửa chữa. Phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo và giáo dục nhân viên giúp nâng cao nhận thức về việc sử dụng điện hiệu quả và tác động tích cực của việc quản lý năng lượng hợp lý đối với môi trường tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe môi trường.
Dự án sẽ giúp giảm mức tiêu thụ điện được tạo ra từ lưới điện chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nên việc thay thế điện lưới bằng điện tái tạo từ dự án này sẽ giúp giảm phát thải KNK. Không có tác động đến không khí, nước, đất và không gây ô nhiễm tiếng ồn. Năng lượng mặt trời trên mái nhà được tự tiêu thụ tại chỗ, không gặp các rủi ro mà các nhà máy năng lượng mặt trời quy mô lớn phải đối mặt.