Bất động sản

Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ đón cơ hội khởi sắc

Năm 2024 được các chuyên gia nhận định là năm bản lề trong chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản (BÐS) Việt Nam, trong đó BÐS Tây Nam Bộ được đánh giá là thị trường nổi bật, điểm sáng về biên độ lợi nhuận khi sở hữu mặt bằng giá BÐS thấp so với cả nước, động lực và tăng trưởng kinh tế cao. Trong khuôn khổ chương trình BÐS Tây Nam bộ 2024 “Ðón cơ hội trong vận hội mới” do Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ và Hội Môi giới BÐS Việt Nam phối hợp tổ chức, các chuyên gia nhận định thị trường BÐS Tây Nam Bộ hiện đang có nhiều điểm sáng, nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bước đệm tăng trưởng

Theo ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ, cuối năm 2023, sóng gió của thị trường BÐS Việt Nam đang dần khép lại, xuất hiện những điểm sáng, tạo bước đệm cho thị trường có khởi sắc trong những năm sắp tới. Cụ thể dòng vốn cho lĩnh vực BÐS được khơi thông sau khoảng thời gian bị “siết chặt”, 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN đã tác đ,ng rõ  nét đến thị trường BÐS. Năm 2023, việc sửa đổi 3 luật lớn bao gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BÐS, Luật Ðất đai được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường địa ốc. Năm 2023 cũng là năm loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quy mô lớn được phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai xây dựng hoặc về đích, trong đó, phải kể đến một số dự án nổi bật như vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội, cầu Cần Giờ, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Nhất là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành khi có hơn 20 nghị quyết, quyết định, nghị định, thông tư, chỉ thị, công điện với mục đích tháo gỡ khó khăn cho thị trường, DN, nhà đầu tư BÐS và người dân. Trong bối cảnh chung của cả nước, khu vực Tây Nam Bộ là một trong những địa phương được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực của thị trường BÐS. Ðặc biệt là khi Tây Nam Bộ là một trong những vùng có hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm được hoàn thành và khởi công trong giai đoạn 2023-2025. BÐS Tây Nam Bộ đang có nhiều cơ hội để “cất cánh” trong vận hội phát triển của BÐS thời kỳ mới.

Là trung tâm vùng ÐBSCL, thị trường BÐS Cần Thơ được kỳ vọng khởi sắc nhờ vào các dự án đã, đang và sẽ triển khai, hứa hẹn tạo tác động lan tỏa ra toàn vùng. Như khu công nghiệp Vĩnh Thạnh đang triển khai thi công từ tháng 9-2023. Về lĩnh vực giải trí và du lịch, dự án sân Golf Cồn Ấu quy hoạch 18 hố trên diện tích 112ha tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng đã chính thức khởi động từ tháng 12-2023. Hay dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Cần Thơ dự kiến xây dựng tại quận Bình Thủy đang chờ khởi công hứa hẹn tạo nơi vui chơi, giải trí, mua sắm cho người dân vùng ÐBSCL và cả nước nói chung khi đến TP Cần Thơ du lịch…

Theo ông Ðỗ Công Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ, thị trường BÐS TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL năm 2024 dự báo nguồn cung tại các dự án sơ cấp sẽ tiếp tục khan hiếm. Căn hộ chung cư ở khu vực trung tâm và đất nền vùng ven ở TP Cần Thơ sẽ là điểm sáng dẫn dắt thị trường. Giá bán sơ cấp có xu hướng tăng, đặc biệt là phân khúc căn hộ tăng 5-10% trong năm 2024; Phân khúc đất nền cũng sẽ tăng giá bởi quy định không được phân lô bán nền ở các đô thị các loại: đặc biệt, I, II, III, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm; việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cho các tuyến cao tốc trong năm 2023 và giai đoạn tới được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh giúp thị trường BÐS Cần Thơ và ÐBSCL phát triển trong thời gian tới.

Nắm bắt thời cơ phát triển

Ông Nguyễn Văn Ðính, Chủ tịch Hội Môi giới BÐS Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội BÐS Việt Nam, cho rằng ÐBSCL đang được Chính phủ và các nhà đầu tư quan tâm triển khai các dự án. Hạ tầng giao thông từ TP Hồ Chí Minh về TP Cần Thơ được kết nối giúp rút ngắn thời gian di chuyển. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng còn tạo ra không gian kinh tế, không gian giao thương giữa TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam Bộ. Tạo thành vùng kinh tế rộng lớn tương tác và kích thích quá trình phát triển. Trong tương lai ÐBSCL sẽ trở thành điểm sáng mới về phát triển kinh tế. Khu vực ÐBSCL còn nhiều dư địa về quỹ đất, về giá trị BÐS khi giá BÐS còn thấp so với các vùng khác trên cả nước, quan trọng là không ảnh hưởng bởi bão lũ, có rất nhiều “đại bàng”, “cá mập” đang làm sẵn tổ. Vì vậy với chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công vào khu vực ÐBSCL sẽ giúp phát huy, khai thác được những dư địa và tiềm năng sẵn có của vùng và tạo ra sức bật trong thời gian tới. Các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ, ngoài đầu tư vào hệ thống giao thông, cần tập trung đầu tư vào các hệ thống hạ tầng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và kích thích sự phát triển.

Các chuyên gia nhận định, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Ðất đai được thông qua với các thay đổi mang tính tích cực, góp phần tạo thêm động lực và kỳ vọng mới cho thị trường. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, Luật Kinh doanh BÐS sửa đổi thống nhất và bổ sung nhiều khái niệm pháp lý quan trọng. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin BÐS đưa vào kinh doanh được quy định chặt chẽ hơn bởi lẽ thị trường BÐS cần được công khai thông tin về dự án, về quy hoạch, điều kiện cơ sở hạ tầng và bổ sung hành vi bị cấm. Luật cũng quy định rõ và tăng điều kiện kinh doanh BÐS là cần phải thành lập DN hoặc thành lập sàn; mở rộng quyền kinh doanh BÐS của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Ðồng thời kết cấu lại, bổ sung, làm rõ các quy định liên quan đến từng loại hình BÐS được đưa vào kinh doanh nhất là đối với BÐS hình thành trong tương lai. Quy định trường hợp bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt. Hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động của sàn giao dịch BÐS và môi giới, tư vấn BÐS. Quy định chi tiết về việc quản lý thông tin và quản lý, điều tiết của Nhà nước về kinh doanh BÐS…

Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Năm 2024, các cơ quan bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… cần gấp rút ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Ðất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BÐS sửa đổi cùng với các luật liên quan khác; lưu ý các điều khoản chuyển tiếp. DN BÐS tập trung tái cơ cấu, xanh hóa, số hóa trong hoạt động, tích cực tham gia góp ý cho các nghị định, thông tư hướng dẫn dưới Luật. Nhà nước tăng cường thông tin thị trường, nâng cao vai trò của các Hiệp hội để tuyên truyền, truyền thông, góp ý chính sách đến người dân và các cơ quan liên quan để góp phần phát triển thị trường BÐS ngày càng công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Theo/baocantho.com.vn
Tags

XEM THÊM

Close