Kinh tế

Tăng trưởng 7,5%/năm: không khó

Đầu tháng 9 vừa rồi, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này cũng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ (cũng về vấn đề này trên quy mô toàn quốc). Về lĩnh vực dệt may và da giày, kế hoạch nêu rõ: “Phát triển các sản phẩm nguyên vật liệu và phụ liệu đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may da giày trên địa bàn tỉnh đạt trên 75%”.

Công nhân làm việc tại Nhà máy sợi thuộc Công ty CP Dệt may Huế. Ảnh: Minh Nguyên

Liệu con số này có đạt được trong 5 năm tới? Chúng ta thử xem xét những thuận lợi hiện có và những khó khăn nào có thể gặp phải trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Một lợi thế dễ dàng nhận thấy nhất, đó là sau nhiều năm phát triển, Thừa Thiên Huế đã trở thành một trung tâm dệt may lớn của miền Trung. Sản phẩm dệt may và 100.000 tấn sợi một năm và đóng góp 70 – 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Chính vì năng lực sản xuất lớn như vậy nên chúng ta cũng có động lực rất lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Điểm lợi thế thứ hai là tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập Khu Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương, cho phép tỉnh làm thí điểm. Điều này nếu được thực thi tốt sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển. Cái khó của công nghiệp hỗ trợ từ trước đến nay, đặc biệt ngành dệt nhuộm là vấn đề xử lý môi trường. Hầu như tỉnh nào cũng rất e ngại về điều này nên đã làm cản trở ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Điểm thứ hai là quy mô thị trường. Không phải cứ muốn là được mà thị trường phải đạt một quy mô nào đó mới thúc đẩy sự phát triển. Điều này ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng đã từng vấp phải. Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi việc lắp ráp ô tô trong nước và tỷ lệ nội địa hóa, nhưng qua hơn 20 năm, ngành công nghiệp ô tô vẫn không lớn được, vẫn là chủ yếu nhập khẩu linh kiện, lắp ráp.

Ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may đang ở mức nào?

Theo số liệu thống kê, ngành dệt may của Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu. Đối với Thừa Thiên Huế, con số này là 60%. Hiểu một cách ngược lại, cả nước mới chỉ chủ động được 30% nguyên phụ liệu và Thừa Thiên Huế, con số này có nhỉnh hơn: 40%. Như vậy, để đến năm 2025, chủ động 75% nguyên phụ liệu thì từ nay đến đấy, chúng ta phải phát triển thêm năng lực 35% nữa.

Nếu xét về mặt số học, có lẽ con số này cũng không phải là khó để đạt được. Lĩnh vực công nghiệp, một năm tăng trưởng vào khoảng 7% không phải là con số quá lớn. Trừ những năm có những bất trắc nào đó (như năm nay bị ảnh hưởng do dịch bệnh) còn thường lĩnh vực công nghiệp – xây dựng mức tăng trưởng đạt hai con số là chuyện bình thường. Riêng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, dư địa vẫn còn quá lớn nên về mặt nguyên lý, nó còn có nhiều cơ hội nội địa hóa.

Rất có thể, lâu nay, ngành công nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu nội địa cho ngành dệt may chưa phát triển là vì không có cơ sở hạ tầng (nhiều nơi ít muốn phát triển những dự án dệt nhuộm do e ngại về các sự cố môi trường). Về phía doanh nghiệp, một dự án (có khả năng tác động đến môi trường lớn), sẽ tốn một khoản chi phí không hề nhỏ cho việc xử lý môi trường đạt chuẩn, chính vì vậy nên không ít doanh nghiệp e dè?

Như trên đã nói, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, chúng ta đã có những điều kiện thuận lợi cơ bản: có quy mô thị trường, có hạ tầng kỹ thuật, có động lực thúc đẩy (nhất là khi Việt Nam ký kết EVFTA- Hiệp định thương mại Việt Nam – EU), nhưng cũng có những khó khăn. Có một điểm cần lưu ý, đó là nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may của Việt Nam từ trước đến nay, chúng ta nhập khẩu nhiều nhất là từ thị trường Trung Quốc. Giờ có hai lý do để các doanh nghiệp chuyển dịch sang đầu tư ở Việt Nam khi Trung Quốc cũng đang quyết tâm không chấp nhận là “một công xưởng thế giới” nữa vì ô nhiễm môi trường và cơ cấu lại nền kinh tế; thứ đến là có thể các nhà máy sẽ chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, trong đó có Việt Nam để được hưởng các ưu đãi về thuế từ EVFTA. Chúng ta hãy cảnh giác các công nghệ lạc hậu về Việt Nam (nếu có)!

Theo/baothuathienhue.vn

Tags

XEM THÊM

Close