Bất động sản

Giải quyết chồng lấn quy hoạch titan: đã mở điểm gút cuối cùng?

Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch titan và khu vực dự trữ titan thì cũng có nghĩa  hàng chục dự án trên các lĩnh vực từ du lịch cho đến điện mặt trời… sẽ khởi động.

4 dự án được “gọi tên”

UBND tỉnh vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai 4 dự án đầu tư trên diện tích có quặng titan tại tỉnh Bình Thuận. Cả 4 dự án đều có diện tích chồng lấn Quy hoạch 1546, tức quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013 và chồng lấn khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Sau một thời gian dài của bao nhiêu cuộc họp của Trung ương và tỉnh, tỉnh và các doanh nghiệp liên quan, cuối cùng 4 dự án đều thuộc lĩnh vực du lịch đã bắt đầu có lối ra.

Cụ thể, Dự án đầu tư Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng – Mũi Né tại xã Hòa Thắng (Bắc Bình) của Công ty cổ phần Toàn Cầu TMS có diện tích 1.020,07 ha thì trong đó, có 191,8 ha thuộc khu vực dự trữ quặng titan và 589 ha chồng lấn Quy hoạch 1546. Trên phần diện tích này, tại phụ lục quy hoạch có gắn tên Công ty cổ phần Titan Bắc Bình nhưng đến nay, công ty này chưa được cấp giấy phép thăm dò. Tương tự, Dự án đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao biển Hòa Thắng của Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Hòa Thắng có 195,4 ha thì toàn bộ diện tích này đều nằm chồng lấn Quy hoạch 1546 và cũng vướng với Công ty cổ phần Titan Bắc Bình. Diện tích bị chồng lấn của 2 dự án du lịch trên với tổng 784,4 ha và theo kiến nghị của Công ty cổ phần Titan Bắc Bình, UBND tỉnh đồng ý hoán đổi hơn 800 ha tại khu vực Lương Sơn III, vùng được tỉnh đề xuất giữ lại với diện tích 2.500 ha để hoán đổi cho các đơn vị.

Cũng tại xã Hòa Thắng, Dự án đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí thể thao biển Thư Minh Nguyễn của Công ty cổ phần đầu tư Thư Minh Nguyễn rộng 127,48 ha thì trong đó, có khoảng 113 ha chồng lấn Quy hoạch 1546, thuộc khu vực mỏ quặng titan – zircon của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Tân Cẩm Xương. Dù đã có giấy phép khai thác từ năm 2015 nhưng công ty chưa tác động vào khu vực quy hoạch mỏ titan và gần đây đã có đơn xin dừng thực hiện dự án cũng như kiến nghị đưa khu vực mỏ 239,68 ha ra khỏi Quy hoạch 1546 và hoán đổi vào khu vực Lương Sơn III. Riêng với Dự án đầu tư Khu phức hợp du lịch sinh thái Bãi Dài tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết của Công ty cổ phần Bất động sản Nova Lexington có diện tích 260,73 ha thì tất cả đều nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan. Và diện tích trên đang được điều chỉnh ra ngoài khu vực dự trữ đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chuẩn bị lăn bánh?

Sau 7 năm, từ khi Quyết định số 1546 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch khoáng sản titan có hiệu lực và 1 năm sau đó, lại thêm Quyết định 645 về khu vực dự trữ titan khiến hàng chục dự án trên tất cả các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đều bị vướng không nhiều thì ít diện tích với dự án, với vùng quy hoạch. Do đó, tất cả đều dừng lại chờ mà nhiều năm nay, các doanh nghiệp lẫn chính quyền đều  dùng từ: “Đứng bánh”.  Qua ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, gần đây nhất là Thông báo số 379/TBVPCP ngày 24/10/2019 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, UBND tỉnh đã trình và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đề xuất điều chỉnh đó thì giảm 26 khu vực với tổng diện tích 19.453,2 ha xuống còn 13 khu vực với tổng diện tích 9.801 ha. Trong đó, có bổ sung 566,6 ha khu vực dự trữ khoáng sản titan theo Quyết định số 645/QĐ-TTg vào quy hoạch thăm dò, khai thác để dịch chuyển hoán đổi cho các đơn vị; diện tích còn lại 9.234,4 ha nằm trong quy hoạch 1546/QĐ-TTg đã được phê duyệt. Có nghĩa, diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác đề nghị đưa ra ngoài quy hoạch và đưa vào khu vực dự trữ titan quốc gia là 10.216,8 ha.

Riêng khu vực dự trữ titan với tổng 82.700 ha, thì tỉnh đề xuất điều chỉnh theo hướng có 57.026 ha dự trữ có thời hạn (30 năm, chiếm 69%); 20.142 ha dự trữ lâu dài (50 năm, chiếm 24,3%) và 5.532 ha đưa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản (chiếm 6,7%). Hầu hết diện tích đưa ra ngoài quy hoạch và dành cho dự trữ lâu dài là những vị trí nằm sát biển để phát triển du lịch và dọc ven biển để tạo điều kiện cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội dài hạn đầu tư nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trên cũng có nghĩa  hàng chục dự án trên các lĩnh vực từ du lịch cho đến điện mặt trời…sẽ khởi động, sẽ lăn bánh. Đó là điều mong mỏi nhất không chỉ của doanh nghiệp đầu tư đàng hoàng mà còn của chính quyền và cả nhân dân trong vùng. Vì lâu nay, chính tình trạng bỏ đất trong khi ai cũng biết có dự án, đã khiến xảy ra bao vấn đề nổi cộm từ lấn chiếm, tranh giành bất hợp pháp cho đến nâng giá đất… gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như rối thị trường đất đai.

Riêng khu vực dự trữ titan với tổng 82.700 ha, thì tỉnh đề xuất điều chỉnh theo hướng có 57.026 ha dự trữ có thời hạn (30 năm, chiếm 69%); 20.142 ha dự trữ lâu dài (50 năm, chiếm 24,3%) và 5.532 ha đưa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản (chiếm 6,7%).

Theo/baobinhthuan.com.vn

Tags

XEM THÊM

Close