Văn hóa thể thao
Nối nhịp cầu văn hóa
Mỗi chuyến đi là một hành trình đáng nhớ, ghi dấu sắc màu văn hóa cộng đồng các dân tộc Lào Cai đến nhiều vùng đất mới, lan tỏa những giá trị và kết nối văn hóa vùng miền.
Trước đây, anh Tẩn Láo Tả (ở thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát) chỉ nghĩ rằng, khi nghĩ lớn lên sẽ theo bố học chạm khắc bạc của người Dao đỏ, gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào mình. Vậy nhưng hôm nay, ước mong của anh Tả đã lớn hơn, đó là mang bản sắc văn hóa của quê hương đến nhiều vùng đất mới.
Mong ước ấy xuất hiện khi anh Tẩn Láo Tả là nghệ nhân được tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022 tại Thái Nguyên. Tại đây, anh có dịp thực hiện một số công đoạn chạm khắc bạc để giúp các đại biểu, người dân đến gần hơn, hiểu hơn về nghề truyền thống của người Dao đỏ ở Séo Pờ Hồ.
Những hoạt động được thực hiện bằng đôi tay của nghệ nhân cùng các hiện vật trong khu trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022 đã mang đến một không gian đậm sắc màu, dù đặt trong tổng thể chủ đề ngày hội, nhưng vẫn tạo nét riêng biệt của cộng đồng dân tộc Dao ở Lào Cai.
Thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao, Bảo tàng tỉnh đã lựa chọn, trưng bày 100 hiện vật đặc trưng của người Dao ở Lào Cai, có thể kể đến như sách cổ, nhạc cụ, đạo cụ dùng trong lễ cấp sắc, bộ dụng cụ chạm khắc bạc, mặt nạ gỗ, trang phục truyền thống…
Được biết, việc chuẩn bị cho hoạt động này được Bảo tàng tỉnh thực hiện trong hơn 1 tháng. Từ xây dựng kế hoạch, lên đề cương, phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn tham gia đều được triển khai kỹ. Riêng phần lựa chọn hiện vật, Bảo tàng tỉnh họp bàn, thống nhất những hiện vật mang đi trưng bày, trong đó đặc biệt chú trọng khâu đóng gói, bảo quản trong suốt thời gian vận chuyển, trưng bày nhằm bảo vệ, giữ hiện vật nguyên trạng.
Một số hình ảnh của Đoàn Lào Cai tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II năm 2022.
Bà Bùi Thị Giang, Phó Trưởng Phòng Tư vấn – Truyền thông, Bảo tàng tỉnh là người thuyết minh tại ngày hội cho biết: Nội dung thuyết minh cần được chuẩn bị kỹ, cho thấy sự gắn kết giữa phần nội dung với các hiện vật được trưng bày tại không gian, vừa đảm bảo tiến trình phát triển, vừa làm nổi bật những nét đặc trưng, riêng biệt mà chỉ cộng đồng người Dao ở Lào Cai mới có. Tại ngày hội này, đoàn Lào Cai đã đoạt 2 giải A, 2 giải B và 4 giải C, trong đó có 1 giải A về trưng bày, giới thiệu văn hóa đặc trưng địa phương “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”.
Tiếp đó, trong Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại Phú Thọ năm 2022, Bảo tàng tỉnh Lào Cai cũng mang đến đây hơn 300 hiện vật độc đáo và tiếp tục đoạt giải A về Không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương.
Mỗi chuyến đi là một hành trình đáng nhớ, ghi dấu sắc màu văn hóa cộng đồng các dân tộc Lào Cai đến nhiều vùng đất mới, lan tỏa những giá trị và kết nối văn hóa vùng miền. Ở đó, các thành viên, nghệ nhân không chỉ có cơ hội sẻ chia, học hỏi kinh nghiệm, mà cũng là dịp để các hiện vật tiếp tục phát huy giá trị. Tất cả hướng tới mục tiêu quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, những bản sắc văn hóa bao đời như lời mời gọi du khách đến với Lào Cai.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhớ lại: Năm 2021, Lào Cai tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu. Thời điểm đó, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thành viên trong đoàn tham gia ngày hội vừa thực hiện nghiêm việc test Covid-19, vừa lo chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tái hiện không gian đậm sắc màu văn hóa dân tộc Mông. Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi trước giờ khai mạc, trời đổ mưa tầm tã, thành viên trong đoàn vừa phải chạy đua với thời gian trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, vừa liên tục chỉnh sửa, hoàn thiện không gian trưng bày. Sau chuyến đi đó, một số hiện vật bị ảnh hưởng, Bảo tàng tỉnh phải xử lý kỹ lưỡng trước khi nhập kho để đảm bảo hiện vật nguyên hiện trạng.
Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả, niềm vui và cả những kỷ niệm trên hành trình đưa sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc Lào Cai đi muôn nơi. Nhưng với mỗi cán bộ của Bảo tàng tỉnh, hành trình của những hiện vật càng dài, bước chân của người làm công tác văn hóa càng xa thì sức lan tỏa càng rộng. Con người và hiện vật với những câu chuyện được lồng gắn khéo léo, duyên dáng trong mỗi chuyến đi là cầu nối góp phần quảng bá, giới thiệu về Lào Cai – mảnh đất vùng biên đầy màu sắc và ắp đầy những giá trị văn hóa đang được gìn giữ, phát huy.