Kinh tế
Đường tới Phiên chợ nông sản hữu cơ
Con đường của Tuấn
Suốt 6 năm qua, Bùi Anh Tuấn cần mẫn vừa học, vừa làm để trở thành người nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa.
Vốn dĩ anh sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở xã Đà Loan (huyện Đức Trọng). Ngay sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành thư ký văn phòng năm 2009, Tuấn lần lượt làm công việc liên quan đến tuyển dụng nhân sự cho một số tập đoàn, công ty của Việt Nam lẫn nước ngoài. Nhưng có lẽ nơi phố phường chật hẹp, khi công việc cứ như một cỗ máy được lập trình sẵn, không hợp với con người sinh ra giữa bao la cây cối nên Tuấn quyết định trở về.
Khu vườn trồng cà phê của gia đình Tuấn rộng gần 3 ha nằm cạnh quả đồi. Khi mới trở về, Bùi Anh Tuấn chỉ muốn làm nông nghiệp và sử dụng ít nhất lượng phân bón hóa học. Còn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ dù có nghĩ đến nhưng chưa thực sự rõ ràng. Việc tham gia các hoạt động xã hội, những nhóm bảo vệ môi trường, nhóm leo núi… đã giúp Tuấn gặp gỡ rất nhiều bạn bè. Vì yêu môi trường, họ quan tâm nhiều tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Những người nhiều kiến thức chuyên sâu như Eila – huấn luyện viên sức khỏe, Leoni – người có nghiên cứu chuyên sâu về môi trường tự nhiên và loài ong đã mở ra trong Tuấn cái nhìn rõ hơn về vai trò của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe và con đường làm nông nghiệp hữu cơ.
Sản phẩm cà phê rang xay của Bùi Farm
Tuấn quay trở về quê nhà và mở cửa Bùi Farm. Rất nhiều điều mới mẻ đã được mở ra khi khu vườn ấy dần chuyển sang sản xuất hữu cơ.
Để quay về với sản xuất thuần tự nhiên, việc giảm lượng phân bón hóa học là tất yếu. Việc cắt giảm phân bón hóa học đồng nghĩa với việc người nông dân phải vất vả hơn rất nhiều. Để vẫn đảm bảo nguồn thu cho gia đình, Bùi Anh Tuấn đã tiến hành giảm từng phần; đồng thời, phá bỏ bớt diện tích cà phê không hiệu quả, trồng cây họ đậu, trồng cỏ Vetier để khử độc, tạo dinh dưỡng và chồng xói mòn. Suốt 6 năm, đôi tay của Bùi Anh Tuấn đã có nhiều vết nứt và chai sần nhưng bù lại khu vườn đã thực sự xanh đúng nghĩa, việc sử dụng hóa chất đã dừng lại hoàn toàn.
Thay cho phân bón hóa học, cây trồng ở trang trại Tuấn được bón phân ủ từ vỏ cà phê khô chứa nhiều cacbon, phân chuồng chứa nhiều đạm và nuôi trùn quế. Việc tự ủ phân bón đã góp phần chuyển hóa các vật liệu dư thừa ở Bùi Farm thành các nguồn lực, phế thải lại trở thành vật liệu đầu vào giá trị và hiện thực hóa vòng sản xuất khép kín.
Ở Bùi Farm ngoài cà phê còn có chuối, sầu riêng, mắc ca và nhiều loại cây ăn trái khác. Với sự hỗ trợ từ Leoni – một người bạn đến từ Đức chuyên nghiên cứu về loài ong, Bùi Anh Tuấn đã tạo ra trong chính khu vườn một hệ sinh thái tự nhiên, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Bùi Anh Tuấn và sản phẩm của Bùi Farm tại phiên chợ nông sản hữu cơ.
Ngoài sản xuất, yếu tố thành công ở Bùi Farm là giảm việc bán sản phẩm thô mà tập trung bán sản phẩm sau chế biến. Theo đó, từ nguồn cà phê sản xuất hữu cơ 100%, Bùi Anh Tuấn đã tạo nên thương hiệu Rin Coffee. Cũng như cà phê, chuối chín cũng được sấy khô và tiêu thụ với giá cao gấp nhiều lần so với bán chuối tươi.
Ngoài những khách hàng truyền thống, Bùi Anh Tuấn còn đẩy mạnh các kênh bán hàng online, tham gia phiên chợ nông sản hữu cơ được tổ chức 1 tháng/lần tại Đà Lạt. Sự lan tỏa trong cộng đồng những nông dân sản xuất hữu cơ đã đem lại nguồn khách hàng rất lớn cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ qua chế biến của Bùi Anh Tuấn. Thậm chí anh còn liên kết với nhiều nông hộ khác và tiêu thụ số nông sản của họ với giá cao hơn nhiều so với trước đây.
6 năm kiên trì học hỏi và cần mẫn với con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngoài việc mang đến một Bùi Farm phát triển thuận tự nhiên còn mang đến cho Bùi Anh Tuấn sự am hiểu nhất định. Bùi Anh Tuấn, Leoni và những người bạn của mình còn là trung tâm để kết nối một bộ phận không nhỏ những người sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Lâm Đồng.
Leonie – cô gái Đức nặng lòng với nông nghiệp hữu cơ
Mối lương duyên của Leoni Hapunkt (32 tuổi) với Đà Lạt chỉ cách đây không lâu, thế nhưng, những trăn trở của cô về sản xuất hữu cơ thì đã có từ trước.
Leoni kể rằng, gia đình cô là nông dân ở Đức. Ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc với làm vườn, trồng cây, cuốc cỏ nên Leoni luôn có sự quan tâm đặc biệt đến việc sản xuất tự nhiên và những loại côn trùng.
Trước khi đến Việt Nam, Leoine Hapunkt đã có gần 1 năm sinh sống ở Pháp. Một người bạn nuôi ong lâu năm ở Pháp đã chia sẻ rất nhiều thông tin về loài ong. Nơi nào có ong sống đồng nghĩa với việc khí hậu, môi trường ở đó trong lành. Leoni đã tìm hiểu thêm rất nhiều về ong và việc bảo tồn loài ong trong tự nhiên.
Những nghiên cứu liên quan đến loài ong được Leoni và cộng sự chia sẻ trên trang mạng xã hội mang tên Bee for life. Ở đó, vấn đề về bảo tồn và phát triển góp phần thay đổi và nâng cao ý thức của con người về tầm quan trọng của loài ong đối với cân bằng sinh thái. Bee for life cũng là nền tảng để Leoni và các cộng sự tiến hành các thủ tục pháp lý để xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích bảo tồn và phát triển loài ong ra đời.
“Hiện chưa có thống kê nào về số lượng cá thể các loại ong hiện đang có ở Lâm Đồng hay các tỉnh Tây Nguyên, nhưng những nghiên cứu khoa học cho thấy bất cứ nơi nào sử dụng quá nhiều chất hóa học trong canh tác nông nghiệp thì kéo theo nó là sự sụt giảm của loài ong. Điều này được mình thử nghiệm và kiểm chứng tại Vườn ong – Bee Garden” – Leoni cho hay.
Ngay tại Đà Lạt, Vườn ong – Bee Garden là một khu vườn do Leoni và những cộng sự xây dựng. Nơi đây trồng các loại rau và hoa dại, tạo môi trường thu hút cho côn trùng sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên. Mọi người đến đây có thể tự cuốc đất, gieo hạt, trồng cây.
Leonie hướng dẫn các bạn nhỏ trồng cây tại Bee Garden
Leoine (bìa phải) trò chuyện với những người bạn của mình tại phiên chợ hữu cơ.
Bee Garden hướng đến việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ hệ sinh thái với các loài côn trùng, mà việc đầu tiên là không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, bắt đầu trồng nhiều hoa để thu hút côn trùng thụ phấn, đặc biệt là loài ong.
“Chúng tôi muốn truyền cảm hứng để bắt đầu có thêm các khu vườn cộng đồng như Bee Garden ở các khu vực khác của Đà Lạt và trong cả nước” – Leoni chia sẻ.
Sau Đức, Pháp và Thái Lan, Leoine được giới thiệu đến Đà Lạt – Việt Nam và đã gắn bó với mảnh đất này gần 2 năm. Trong quá trình sinh sống và di chuyển, Leoni đi qua các vùng sản xuất nông nghiệp thì đều chứng kiến hình ảnh những người nông dân phun xịt nhiều hóa chất, rác thải từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật có thể dễ dàng thấy ở khắp nơi. Theo cô, đó là hệ lụy từ việc canh tác mà không hướng đến bảo tồn, bền vững. Có lẽ đã quá gắn bó với loài ong nên Leoni hiểu và khao khát tìm cho mình cuộc sống mà ở đó môi trường tự nhiên trong lành, nguồn rau xanh sử dụng cho bữa ăn mỗi ngày hoàn toàn oganic. Cô nhận thấy đó cũng là mối quan tâm chung của nhiều người trong cộng đồng. “Mình nhận thấy rằng đa phần những người bạn của mình đều quan tâm tới sức khoẻ và có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ. Ngoài việc tốt cho sức khỏe, tinh thần thì quan trọng nữa là hỗ trợ nông dân địa phương tiếp tục sản xuất theo hướng an toàn và bền vững. Nó được xem như một việc ý nghĩa cho cộng đồng” – Leoni chia sẻ.
Hội ngộ ở Phiên chợ
Một cách rất tự nhiên như có sợi dây ngầm liên kết, Leoni gặp được những người có cùng chí hướng là những nông dân canh tác hữu cơ như Bùi Anh Tuấn, K’Brooke với nông sản K’Ho, Tùng Hạ Farm với các sản phẩm tinh dầu, trà… Họ gặp nhau và đặt ra vấn đề cần có một không gian lớn hơn, cần nhiều nhà cung cấp nông sản hữu cơ hơn và Phiên chợ nông sản hữu cơ ở Đà Lạt ra đời.
Đây là phiên chợ đặc biệt, không chỉ là hoạt động trao đổi các sản phẩm hữu cơ tự nhiên trực tiếp giữa người bán và nhà sản xuất, nó cũng là nơi truyền đi thông điệp về giảm sử dụng túi nilon, rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Theo Bùi Anh Tuấn, sở dĩ họ gọi đó là phiên chợ bởi mong muốn nơi ấy chân chất, mộc mạc như chính người nông dân, là nơi chỉ họp mỗi tháng một lần. Khi mà người bán gom hàng chờ tới phiên chợ và người mua mong ngóng tới ngày chợ phiên để được mua, được gặp gỡ, chuyện trò.
Khách hàng mua bán tại phiên chợ nông sản hữu cơ
Ở phiên chợ, ngoài các nông sản hữu cơ đa dạng như cà phê, rau củ, mật ong còn có cả gốm mộc Chu Ru, tinh dầu, mỹ phẩm tự nhiên, đồ hanmade…
Đối với mặt hàng nông sản, để có mặt trong phiên chợ, những người trong ban tổ chức và những người có chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ trực tiếp đi đến các vườn, kiểm tra thật kỹ lưỡng quy trình sản xuất để đảm bảo tất cả đều phải đạt tiêu chuẩn của sản phẩm hữu cơ để tham gia phiên chợ. Những gian hàng trong phiên chợ có thể của những người trẻ tri thức chọn con đường làm nông nghiệp, cũng có thể là những người nông dân chính hiệu đang muốn tìm con đường đi mới. Bởi vậy, ngoài Bùi farm, Tùng Hạ farm…, còn có tổ hợp tác Iem Gõh Chu Ru của những người phụ nữ dân tộc Chu Ru (huyện Đơn Dương) sản xuất rau hữu cơ, K’Ho Farm của nhà nông trẻ người dân tộc K’Ho tên K’Brooke…
Từ 10 nhà vườn ban đầu, nay phiên chợ đã có gần 20 gian hàng chủ yếu là nông sản hữu cơ tham gia. Lê Ngọc Thanh Duy – Một kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm hiện đang làm việc tại Tùng Hạ Farm, chuyên sản xuất tinh dầu Lavender, cũng là thương hiệu thường xuyên có mặt tại phiên chợ cho biết: “Đang dần có nhiều người tìm đến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất hữu cơ, thuận tự nhiên sẽ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, những người lựa chọn con đường này ở Đà Lạt hiện đang phát triển tự phát và phiên chợ chính là nơi đầu tiên họ có thể gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ và đồng hành cùng nhau trên con đường này”.
Ở phiên chợ, không chỉ có những sản phẩm hữu cơ được bày bán, mà người bán còn có thể trao đổi hạt giống và kinh nghiệm gieo trồng. Đây còn là nơi để những nhà nông chọn con đường hữu cơ tạo động lực và kết nối lẫn nhau. Ngoài kết nối, bán sản phẩm, cũng từ phiên chợ việc trưng bày sản phẩm trên các sạp tre, nứa và đóng gói sản phẩm trong các túi giấy cũng nhằm truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường vì cuộc sống xanh.
Còn những người đi chợ, ngoài niềm vui mua sản phẩm, họ còn vui khi được kết bạn với chính người nông dân tạo ra những sản phẩm mà họ sử dụng. Khi người trồng và người ăn là bạn của nhau, người ta biết xuất xứ của thứ thức ăn mình sử dụng thì niềm vui trong bữa ăn thêm tròn đầy.
Những người thành lập phiên chợ (từ trái qua: Matt, Eila, Bùi Anh Tuấn và Leoni)
Trăn trở cho những bước đi dài
Phiên chợ được mở ra và hướng đến chính những người dân đang sinh sống tại Đà Lạt và tiếp theo là khách du lịch. Những người tổ chức phiên chợ muốn thiết lập sự kết nối giữa những người nông dân canh tác thân thiện với tự nhiên cung ứng nông sản sạch đến được với người dân Đà Lạt và du khách. Họ tạo ra một hệ thống mua bán trực tiếp không thông qua trung gian, giúp người bán được giá tốt hơn, người mua mua được nông sản an toàn với giá phải chăng khi mà những mặt hàng này không có cơ hội quảng cáo nhiều, lại càng khó có cơ hội để những sản phẩm này có mặt trong những hệ thống siêu thị lớn.
Ông Phạm Ngọc Lâm – Chủ tịch Tập đoàn BIOEE Việt Nam, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đã tham gia phiên chợ và đánh giá rất cao tinh thần và hiệu quả mà phiên chợ mang lại.
Theo ông Lâm, dù chỉ là phiên chợ nhỏ nhưng đây sẽ là tiền đề để những nhà nông trẻ, những cá nhân sản xuất nhỏ lẻ có thể xây dựng nên được thương hiệu, tìm kiếm được những đối tác tiềm năng, giới thiệu sản phẩm đến bạn bè trong và ngoài nước.
Thực tế, khi ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, các hoạt động du lịch canh nông đang thu hút du khách đến trải nghiệm và sử dụng những sản phẩm mà họ được tận mắt nhìn thấy quy trình sản xuất. Việc có một phiên chợ với nhiều loại nông sản đặc trưng được sản xuất hữu cơ hoàn toàn đủ sức thu hút du khách. Đó là lý do mặc dù không quảng bá rầm rộ, cũng không có doanh nghiệp nào hỗ trợ, nhưng đã 12 phiên chợ được tổ chức ở trong các homestay nằm khuất lấp sau những con hẻm nhỏ vẫn thu hút nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng người nước ngoài ở Đà Lạt. Hoàn toàn có thể hy vọng việc tổ chức phiên chợ nông sản hữu cơ có thể trở thành một đặc trưng cho du lịch Đà Lạt. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, những gì đã và đang có ở phiên chợ nông sản là chưa đủ.
Ông Trần Huy Đường – Công ty Lang Biang Farm, đơn vị nhiều lần hỗ trợ địa điểm tổ chức phiên chợ, nhìn nhận rằng: “Những người tổ chức phiên chợ phải có giải pháp để duy trì mà không bị lặp lại, một màu. Đó là vấn đề cơ bản phải giải quyết để có thể mở rộng và phát huy giá trị của phiên chợ”. Đơn cử như việc những người thành lập phiên chợ cần sự đồng hành của chính quyền địa phương về cơ chế và những điều kiện thuận lợi khác để phát triển phiên chợ và đưa đây vào danh mục quảng bá. Điều đó góp phần thúc đẩy mức tiêu thụ, từ đó tác động trở lại nhà vườn và dần lan tỏa việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, lượng nông sản sẽ lớn hơn, đa dạng và đặc sắc hơn. Điều đó sẽ giúp quy mô của phiên chợ được mở rộng. Song song với đó, bộ máy điều hành phiên chợ cũng cần chuyên nghiệp hơn với sự chuyên môn hóa trong hoạt động. Bộ máy vận hành từ chính nguồn thu từ những nhà nông tham gia phiên chợ. Khi phiên chợ được phát triển có quy mô và đủ chuyên nghiệp khách hàng nói chung và khách du lịch nói riêng sẽ tự tìm đến. Điều đó thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều ngành nghề ở Đà Lạt nhất là nông nghiệp và dịch vụ.
Nông sản hữu cơ sản xuất tại tổ hợp tác Iem Gõh Chu Ru một trong những đơn vị thường xuyên tham gia phiên chợ.
Các gian hàng ở Phiên chợ nông sản hữu cơ hoàn toàn không sử dụng túi nilong.
Theo/baolamdong.vn