Văn hóa thể thao
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng
Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là hình thái tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ cập nhất của người Việt Nam. Nhưng chúng tôi không đi sâu vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất hiện từ khi nào? Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là gì? Thờ cúng tổ tiên trong gia đình và gia tộc mang đặc tính cư dân nông nghiệp đa thần giáo.
Bàn thờ tổ tiên của người Tày, Nùng Cao Bằng.
Trong 54 dân tộc anh em cùng chung sống dựng xây đất nước thì người Tày, Nùng là dân tộc có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đặc biệt là văn hóa tâm linh trong thờ cúng tại gia. Bàn thờ người Tày, Nùng mang cả nền văn hóa của dòng họ. Khách vào nhà, nếu người đó đọc được chữ Hán – Nho nhìn lên bài vị trên bàn thờ thì biết nhà đó mang họ gì, thờ cúng vị thần gì.
Đối với người Tày, Nùng Cao Bằng nói riêng và người Tày, Nùng trong cả nước nói chung, trên bàn thờ đều có một bài vị (người Tày, Nùng gọi là Dàm Ham) gồm một mảnh vải đỏ hoặc một tờ giấy đỏ với chiều rộng khoảng gần 1 mét, chiều dài 1 mét tùy thuộc vào bài trí bàn thờ được viết bằng chữ Hán – Nho đem vào trong khung kính dựng lên hoặc treo lên tường sau các bát hương (người Tày, Nùng gọi là Ăn Ham hoặc Ăn Thản).
Bài vị (Dàm Ham) có chia thành 3 mục rõ rệt và 3 bát hương, hoặc có nhà 4 – 5 bát hương. Người Tày, Nùng viết văn tự trên “Dàm Ham”, kết cấu chia thành 3 phần: Phần trên cùng (nội dung thờ), thường chỉ có 3 từ. Nếu người Kinh hay dùng 3 từ viết bằng chữ Hán – Nho đọc từ phải sang trái: Đức lưu quang, tạm dịch “Tâm sáng muôn đời” và câu đối ở hai phía dọc xuống: “Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh/Tổ tông công đức thiên niên thịnh” (tạm dịch: “Công đức tông ngàn năm thịnh/Con hiếu cháu hiền vạn đại vinh” và đặt ở giữa một bát hương thờ tổ tiên).
Còn đối với người Tày, Nùng bàn thờ phải có Dàm Ham được chia thành 3 phần: Phần trên là nội dung thờ, hai bên là câu đối, phần ở giữa là tên họ và thêm hai câu nhỏ cho từng nội dung ngợi ca dòng họ. Nội dung thơ thường viết ba từ đọc từ phải sang trái bằng ba chữ Hán – Nho: Tổ đường võ – tạm dịch theo nghĩa là “Tổ tông vĩnh cửu”, hai bên thường viết câu đối tùy theo từng dòng họ: “Nghìn năm phúc lộc an khang thái/Vạn đại con cháu đắc hưởng chừ”, tạm dịch “Nghìn năm phúc lộc an lạc thái bình/Vạn đại con cháu được hưởng chia”.
Nội dung (Dàm Ham) ở dòng chính giữa là viết tên dòng họ, nếu ai biết chữ Hán – Nho sẽ biết được nhà đó thờ họ gì. Dòng giữa chính dọc từ trên xuống: Đường thời phụng hương hỏa họ… môn… Tạm dịch “Phụng dưỡng hương hỏa họ… vĩnh cửu…”. Đây là nội dung cơ bản của “Dàm Ham” được đặt hoặc treo lên trên bàn thờ.
Người Tày, Nùng tại sao bàn thờ nhà thì có 3 bát hương, nhà thì có 4 – 5 bát hương. Thông thường tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng bàn thờ có 3 bát hương, vị trí từ trái sang phải có ý nghĩa như sau: Bát thứ nhất thờ thánh mẫu; bát thứ hai (chính giữa) thờ tổ tiên, dòng họ; bát thứ ba thờ thần nông, nhà không làm nông thì thờ tổ sư. Nhà đặt 4 bát hương thì bát hương thứ 4 từ phải sang trái thờ thánh mẫu bên ngoại; nhà đặt 5 bát hương thì bát thứ 5 từ trái sang phải (dưới nhìn lên) thờ tổ sư (nhà có người làm thầy tào, bụt, làm thầy thuốc, làm nghề mộc).
Ngoài ra, ở cửa đi vào nhà bên phải hoặc ở góc sân có một bát hương thờ cúng nhà có người chết ở ngoài do tai nạn hoặc hy sinh trong chiến tranh. Vị trí đặt bàn thờ được bài trí ở nơi trang trọng, đối với người Tày đặt ở gian giữa nhà, người Nùng đặt ở gian bên phải từ hướng cửa đi vào nhà (nhà ba gian).
Lễ vật cúng tổ tiên người Tày, Nùng được cúng bằng thịt lợn, thịt gà, thịt vịt (rằm tháng Bảy) vào các ngày lễ, Tết của dân tộc trong năm như: Tết Nguyên đán, đắp nọi (người Nùng gọi đắp mạ), mùng 3 tháng Ba, mùng 5 tháng Năm, mùng 6 tháng Sáu, rằm tháng Bảy, mùng 9 tháng Chín. Người Tày, Nùng không cúng hoa quả vào các ngày sóc (mùng 1), ngày vọng (ngày rằm) theo chu kỳ tuần trăng. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là tập tục mang đậm nét văn hóa không chỉ đối với người Tày, Nùng mà của cả người Việt.
Theo/baocaobang.vn