Tin tức
Bất ngờ thay đổi việc “mở cửa” đường hàng không quốc tế vào phút chót
Kế hoạch ban đầu sẽ mở lại đường bay quốc tế từ ngày 15/9, tuy nhiên chiều nay (14/9) Bộ Giao thông vận tải cho biết vẫn chưa “chốt” được thời điểm chính thức.
Cụ thể, kế hoạch ban đầu được công bố Việt Nam sẽ khôi phục đường bay quốc tế tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ 15/9, Việt Nam mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các đường bay đi Đài Loan – Trung Quốc, Campuchia, Lào được tái khởi động từ 22/9.
Chiều 14/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã họp bàn với các Bộ, ngành, liên quan thống nhất phương án mở lại các đường bay quốc tế tới các điểm đến tại các quốc gia có kết quả phòng chống dịch tốt và là các đường bay có nhu cầu vận chuyển cao. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp các Bộ, ngành vẫn chưa chốt được thời điểm “mở cửa” chính thức.
Hiện nay cơ quan y tế đang hoàn thiện phương án, quy trình xét nghiệm, cách ly y tế đối với các nhóm đối tượng được phép nhập cảnh. Dự kiến, phương án này sẽ được trình Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào ngày thứ 5 tới.
Bộ GTVT cho biết, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là cần làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí….) đối với từng đối tượng (ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư và công dân Việt Nam) để thông báo rộng rãi tới các nước liên quan cũng như đối với những người quan tâm, có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải cho biết vẫn chưa “chốt” được thời điểm với các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn chưa xác định được cụ thể nhu cầu số lượng người nhập cảnh để lên kế hoạch bố trí các khu cách ly cũng như các điều kiện giám sát, chi phí liên quan.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn việc kiểm tra, theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Đối với khách quốc tế nhập cảnh phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo lịch trình kiểm soát tốt dịch bệnh các chuyến bay, không để sơ xuất xảy ra. Lịch bay cụ thể do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.
Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử. Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế xem xét, giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp và các hướng dẫn khác đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện cách ly người nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú và có thu phí. Các địa phương, trước hết là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận 3 thành phố trên khẩn trương chỉ đạo lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10.000 người và có thể tăng dần trong thời gian tới…
Các Bộ Công an, Quốc phòng, UBND cấp tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm việc tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép.
Các Bộ, ngành, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất với thủ tục nhanh gọn, rõ ràng, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm việc cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.
Theo/vtv.vn